Cũng không nên lý tưởng hóa tuổi thơ và cách giáo dục trẻ em thời Liên Xô. Bởi ở đó vẫn có nhiều mảng tối và những quy tắc không đồng nhất. Có một câu nói nổi tiếng: “Không thể thì chúng tôi dạy, không muốn thì chúng tôi bắt buộc”. 

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
Sergey Solovyev /Sputnik 

Nhiều quy tắc giáo dục thời Liên Xô đã được nhà giáo huyền thoại Anton Makarenko đặt ra ngày từ những năm 1930. Trong thời gian đó, tại Nga có rất nhiều trẻ em “đi bụi”, rồi sau đó chúng trở thành những kẻ phạm tội. Chính quyền đã gom chúng lại từ đường phố và đưa chúng vào nhà trẻ, nhưng biến chúng thành những đứa trẻ bình thường thì quả thực không dễ dàng chút nào. Trong hoàn cảnh như vậy, đối với những đứa trẻ phạm tội thì nhà giáo Makarenko đã thành công trong việc cải tạo chúng trở thành những thành viên có đủ mọi quyền trong xã hội, dựa vào những giá trị chung của con người và chuẩn mực đạo đức.

Nhiều trường hợp đã được đưa vào sách giáo khoa môn giáo dục sư phạm và đã được áp dụng vào hệ thống giáo dục phổ thông của Liên Xô. Dưới đây là 10 trong số những quy tắc đó.

1. Chế độ giáo dục nghiêm khắc 

Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, chế độ của trẻ em Liên Xô đã nhận được sự quan tâm rất lớn. Thời đó người ta cho rằng, mọi thứ phải được sắp xếp theo khung giờ nghiêm khắc, bao gồm giờ cho con ngủ và giờ cho con bú.

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
“Hãy tuân thủ chế độ đúng đắn!”. Ảnh: K.S. Miturich 

Thậm chí, nếu trong thời gian giữa các các lần cho bú mà đứa trẻ khóc, thì cũng không được dùng ti mẹ để dỗ. Đội ngũ y tế thời Liên Xô đến nhà các bà mẹ trẻ và theo dõi kỹ việc đứa trẻ tăng cân như thế nào (việc này thời Liên Xô cũng phải tuân thủ theo quy tắc).

Quy tắc này vẫn được tiếp tục duy trì khi đứa trẻ bước sang độ tuổi lớn hơn. Việc cho con bú/ăn được ấn định theo khung giờ nhất định tại các hài nhi viện, nhà trẻ và trường học, còn các bà mẹ được khuyến cáo là không được cho con ăn quà trong khoảng thời gian giữa các lần bú/bữa ăn.

2. Rèn luyện trẻ nhỏ và cho ngủ nơi không khí trong lành

Không khí trong lành được cho là có lợi cho hệ miễn dịch và sức khỏe của trẻ nhỏ, cho nên những bà mẹ mạnh dạn ngay cả khi thời tiết giá buốt cũng đưa con đi dạo bằng xe nôi trong vài tiếng đồng hồ ngoài trời. Trong lúc đi dạo phố, nhiều bé ngủ luôn trên xe nôi.

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
Trẻ em đang say giấc tại một nhà trẻ Liên Xô những năm 1950. Ảnh: Leonid Shokin 

Thực tế đó được các nhà nuôi dạy trẻ áp dụng, bằng cách cho các bé ngủ luôn trên hè phố, trong đó có mục đích phòng tránh các dịch bệnh.

Một trò giải trí cá nhân đó là rèn luyện, lau mình và dội nước lạnh trên phố. Người ta cho rằng, trò này rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là tốt cho tim mạch. Một trong những câu khẩu hiệu chính của Liên Xô thời đó là “Bên trong một cơ thể khỏe mạnh là một tâm hồn khỏe mạnh".

3. Tập làm quen với thể dục thể thao

Trong các trường phổ thông thời đó có những môn học thể thao bắt buộc, tương ứng với từng mùa khác nhau: mùa đông thì cho trẻ chạy trượt băng, còn mùa hè thì chạy trong môi trường không khí trong lành. Những mùa khác trong năm, các môn thể dục thường diễn ra trong phòng, như chạy bộ và điền kinh, các trò chơi tập thể.

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
 “Hãy tập luyện thể dục thể thao!”. Ảnh: M. Nesterova 

Để đánh thức trẻ nhỏ dậy đi học, nhà thơ-ca sĩ nổi tiếng nhất thời đó là Vladimir Vysotsky thậm chí còn sáng tác cả bản nhạc hài hước nói về tầm quan trọng của việc tập thể dục buổi sáng.

4. Hòa nhập trẻ em với xã hội

Các bé được đưa đến nhà trẻ từ rất sớm, thậm chí từ khi còn chưa cai sữa. Lý do là các bà mẹ còn phải đi làm trở lại càng sớm càng tốt. Ngoài ra, một kỹ năng quan trọng mà trẻ nhỏ nhận được khi đi nhà trẻ là hòa nhập với xã hội. Đứa trẻ cần phải học cách sống và làm việc tập thể, cũng như chịu trách nhiệm vì tập thể.

5. Tập làm quen với trách nhiệm

Trách nhiệm tập thể là phương thức tuyệt vời có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc chống lại vấn nạn bắt nạt học đường. 

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
“Hãy tôn trọng công sức của người khác, tự xả rác thì hãy tự dọn!”. Ảnh tư liệu 

Viện sĩ hàn lâm người Mỹ, chuyên gia tâm lý trẻ em, ông Urie Bronfenbrenner vào những năm 1970 đã nghiên cứu chi tiết cách giáo dục trẻ em tại Liên Xô. Ông đã xuất bản cuốn sách “Hai thế giới của trẻ thơ: Trẻ em tại Mỹ và Liên Xô”. Cuốn sách dẫn lời của một cô giáo phổ thông Liên Xô nói về cách mà cô chống lại hành vi xấu trong lớp học.

“Chúng ta thử hình dung, bé Vova 10 tuổi túm lấy bím tóc của Anya và kéo. Tôi phê bình bé một lần, hai lần rồi ba lần, nhưng bé vẫn tiếp tục kéo. Khi đó tôi yêu cầu cả lớp để ý đến hành vi của Vova. Giờ thì tôi đã yên tâm, vì đội trực ban thiếu nhi sẽ nhắc nhở cậu bé trong giờ ra chơi. Họ sẽ nhắc nhở cậu bé rằng, tính vô kỷ luật của cậu sẽ ảnh hưởng đến hạnh kiểm của toàn đội”.

6. Tập làm quen với tính tự lực và lao động

Khi chịu toàn bộ trách nhiệm tập thể, thì dĩ nhiên đứa trẻ phải chịu trách nhiệm cho cả chính bản thân mình. Ngoài ra, từ nhỏ đứa trẻ cũng đã được dạy dỗ để chuẩn bị cho giai đoạn trưởng thành. Đứa trẻ đó nhất định phải giúp người lớn và bố mẹ bằng cách học làm mọi thứ trong nhà, nấu ăn và làm những việc thủ công đơn giản. 

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
“Chúng em tự làm được mọi thứ để đỡ đần cho mẹ”. Ảnh tư liệu 

“Từ lớp 5 tôi đã phải có nghĩa vụ dọn dẹp nhà cửa vào ngày nghỉ và đi chợ. Tôi làm việc này thường xuyên và thậm chí còn không biết việc khác. Người chị gái song sinh của tôi lúc đó thì có nghĩa vụ nấu ăn cho cả gia đình. Còn bố mẹ thì làm việc hoặc nghỉ ngơi”, ông Sergei (62 tuổi) người Mátxcơva kể lại thời trẻ thơ của mình. 

Trong các trường học cũng có dạy một môn riêng biệt, đó là môn “Lao động”. Các em gái và em trai được dạy khác nhau: bé gái thì học may vá và nấu nướng, còn bé trai thì học đóng đinh, bào gỗ, hàn và thậm chí làm những việc sửa chữa điện đơn giản.

7. Giảm thời gian rảnh rỗi xuống mức thấp nhất

Trẻ em Liên Xô cần phải luôn có việc gì đó để làm. Bởi người ta quan niệm rằng, càng nhiều việc thì về sau bé lớn lên sẽ càng thành đạt. Vì vậy, chúng được dạy cách làm việc và sống tích cực.

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
“Cảm ơn những hoạt động sau giờ tan lớp”. Ảnh tư liệu 

Mỗi đứa trẻ sau giờ tan trường thường ở lại để tham gia thêm các hoạt động khác. Liên Xô từng có rất nhiều nhà thiếu nhi, phòng tập thể thao và trường dạy nhạc. Bên cạnh việc phát triển trẻ nhỏ, việc này còn làm giảm đáng kể áp lực cuộc sống cho cha mẹ - đứa trẻ không phải lo lắng gì với việc học khi đang làm việc.

Cha mẹ mong muốn mang lại cho con cái điều tốt đẹp nhất và làm tất cả những gì có thể mà tuổi thơ của mình không được hưởng. Chính vì vậy, tất cả tiền bạc họ muốn dành vào việc nuôi dạy con cái. Họ khích lệ trẻ tham gia các cuộc thi tài năng.

8. Không nuông chiều trẻ em

Đặc biệt, các bậc cha mẹ được khuyên tuyệt đối không nuông chiều con cái, nếu không thì lớn lên chúng sẽ thành những “cậu ấm cô chiêu” lười biếng. Chính vì vậy, trẻ em Liên Xô không bao giờ có nhiều đồ chơi như trẻ em bây giờ, cũng không có nhiều mốt quần áo và đồ dùng thời thượng (bởi một phần cũng do sự khan hiếm hàng hóa). Người Liên Xô từ nhỏ đã phải sống giản dị trong sinh hoạt hàng ngày.

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
“Đừng trở thành những cậu ấm cô chiêu!”. Ảnh tư liệu 

Người ta cho rằng, những đứa trẻ được cưng chiều và ẻo lả nhất định sẽ trở thành những thành phần “phi xã hội” khó hòa đồng, ngược lại, chúng rất dễ trở thành tội phạm. 

9. Tập cho trẻ thói quen yêu thiên nhiên

Trẻ em Liên Xô được dành nhiều thời gian tận hưởng không khí trong lành. Nhiều bé thường được cho đi dạo trên phố, phổ biến thường là hướng đến nghiên cứu động thực vật và thiên nhiên tại địa phương. Trẻ em cũng được đưa đi dạo trong các khu rừng, được dạy leo núi và chèo thuyền.

Cha mẹ thường đưa con nhỏ đi theo ra ngoại ô, nơi họ dạy trẻ bắt cá, thu hoạch nấm (quan trọng là chỉ cho chúng loại nấm nào là có thể ăn được).

10. Giáo dục giá trị đạo đức

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
“Đừng bao giờ lừa dối!”. Ảnh tư liệu 

Thời Liên Xô, trẻ em được đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức. Nhà thơ nổi tiếng Mayakovsky đã viết bài trường thi “Điều gì tốt, điều gì xấu”. Bài trường thi này sau đó đã trở nên rất phổ biến. Vì không có tôn giáo, nên trẻ em được giảng giải các quy tắc ứng xử không thông qua kinh thánh, mà thông qua các chuẩn mực đạo đức của con người Liên Xô và người xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản.

Quan trọng là sống không vì mình, mà là vì người khác, không tư lợi cá nhân và giàu sang phú quý, không lừa dối, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tôn trọng người lớn tuổi: nhường chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng, giúp đỡ người già sang đường hoặc xách đồ vật nặng. 

Một trong những giá trị quan trọng nhất đối với con trẻ là gia đình, bởi gia đình là tế bào quan trọng của xã hội Liên Xô. 

10 quy tắc giáo dục trẻ em thời Liên Xô vẫn đáng để học tập hôm nay
“Vì tuổi thơ vui vẻ, đầy sinh lực. Vì gia đình hạnh phúc, bền chặt”. Ảnh tư liệu 

Chính vì vậy, các bé gái ngay từ nhỏ đã được dạy trở thành những người mẹ và đảm nhận công việc nội trợ. Các bé trai thì được dạy làm những “việc đàn ông” vốn đòi hỏi nhiều về mặt thể lực hơn. Điều quan trọng nữa là thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

“Với chúng tôi, những ai không trải qua trong quân ngũ sẽ bị chế nhạo. Những người đó thậm chí các cô gái còn không muốn hẹn hò”, ông Ivan (75 tuổi) kể lại.

Và đương nhiên, giá trị cốt lõi nhất đối với trẻ em Liên Xô (cả đối với người lớn) là lòng trung thành và tình yêu với Tổ quốc. Muốn vậy thì cần phải hiểu biết lịch sử, văn hóa và địa lý của Tổ quốc mình, cũng như vai trò vĩ đại của Liên Xô trong việc giải phóng giai cấp vô sản toàn thế giới thoát khỏi chế độ tư bản.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
BBT An ninh 24h