Loading...

Bảo vệ nguồn lực lao động trong đại dịch COVID-19

Nhân 135 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2021), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kêu gọi tập trung vào những chiến lược nhằm bảo vệ việc làm cũng như tăng cường an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc cho người lao động, qua đó xây dựng khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế tương tự như đại dịch Covid-19 có thể xảy ra trong tương lai.
Người lao động bên ngoài Văn phòng Sở Lao động thành phố New York (Mỹ). Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
 
Mặc dù trong quý đầu năm đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế toàn cầu, nhưng ILO vẫn cảnh báo triển vọng phục hồi thị trường lao động toàn cầu trong năm 2021 là "thấp, không ổn định và không đồng đều". ILO đã đưa ra 3 kịch bản về thị trường việc làm trong năm nay, tùy thuộc vào các biện pháp hỗ trợ ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Theo kịch bản tiêu cực, thời lượng làm việc trong năm 2021 sẽ giảm thêm 4,6% và thậm chí với kịch bản tích cực nhất thì thời lượng làm việc cũng vẫn giảm thêm 1,3% trong năm nay, tương đương với khoảng 36 triệu việc làm sẽ mất đi.
Để đối phó với những hậu quả của vòng xoáy dịch bệnh COVID-19, ILO kêu gọi các quốc gia hỗ trợ đặc biệt cho những nhóm và lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất, cũng như cho những nhóm có thể tạo nhiều việc làm một cách nhanh chóng. ILO nhấn mạnh cần hỗ trợ cho các nước nghèo hơn, có ít nguồn lực để thúc đẩy phục hồi thị trường việc làm hơn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giới chuyên gia cảnh báo thế giới còn lâu nữa mới có thể chấm dứt được đại dịch COVID-19 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi, ILO kêu gọi các quốc gia cần triển khai những hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp đảm bảo và có sức chống chịu tốt nhằm giảm thiểu rủi ro cho tất cả mọi người trong thế giới việc làm khi xảy ra những tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai. Để thực hiện được kế hoạch này đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng an toàn sức khỏe nghề nghiệp  và vấn đề này cần được tích hợp trong các kế hoạch tổng thể của quốc gia về công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó các tình huống khủng hoảng khẩn cấp nhằm bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người lao động, cũng như đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra liên tục.
Tổng Thư ký Hiệp hội Công nhân vận tải quốc tế (ITF) Stephen Cotton nhận định việc ILO công nhận vấn đề bảo đảm sức khỏe và an toàn nghề nghiệp như một quyền cơ bản tại nơi làm việc sẽ là một bước đi đúng hướng. Ngay cả khi COVID-19 chưa gây ra mối đe dọa đối với an toàn và sức khỏe người lao động ở nơi làm việc, ILO ước tính hằng năm có khoảng 2,3 triệu người thiệt mạng liên quan đến thương tích và bệnh nghề nghiệp, trong đó có khoảng 350.000 người tử vong do tai nạn lao động và khoảng 2 triệu người chết vì bệnh nghề nghiệp. Trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 340 triệu vụ tai nạn lao động và 160 triệu nạn nhân của bệnh nghề nghiệp, tuy không gây tử vong nhưng cũng để lại thương tích nặng nề và mất đi khả năng lao động. Tổng thiệt hại do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là vô cùng to lớn, chiếm khoảng 4% GDP của toàn thế giới. Điều đó cho thấy bảo đảm an toàn và sức khỏe  ở nơi làm việc cho người lao động là vấn đề hết sức quan trọng.
Người lao động là lực lượng nòng cốt, đi đầu, trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Không có quốc gia nào có thể thành công và thịnh vượng mà không có sự cống hiến của lực lượng lao động. Như khẳng định của Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, tất cả những người lao động, bất kể tình trạng việc làm, đều cần được bảo đảm các quyền cơ bản của họ tại nơi làm việc, trong đó có quyền được làm việc trong môi trường an toàn và sức khỏe, bởi bảo vệ nguồn lực lao động chính là bảo vệ tài sản quốc gia.
Tổng hợp theo: TTXVNThời báo An ninh

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889