Loading...

Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 3: Lời cầu cứu sau “cơn u mê”

Tin lời “mật ngọt” đầu tư vào Công ty Nhật Nam để hưởng lợi nhuận theo ngày, gia đình một nạn nhân ở Vĩnh Phúc đứng trước nguy cơ tan vỡ, toàn bộ số tiền tiết kiệm cũng có thể sẽ “không cánh mà bay”…

Đó là nội dung trong lá đơn cầu cứu khẩn cấp của gia đình anh V.X.S có địa chỉ tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trụ sở Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam – Văn phòng đại diện tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Giang

Cụ thể, theo nội dung đơn thư, tin theo lời mời hấp dẫn từ một người có tên Phương tại Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam – Văn phòng đại diện tại Vĩnh Phúc (địa chỉ tại Nhà S5, khu đô thị Chùa Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Anh S. đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình là 200 triệu đồng, cùng 300 triệu đồng đi vay mượn từ người thân để đầu tư vào Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam). Ngày 30/6/2022, tin tưởng và làm theo hướng dẫn của người có tên Phương, anh S. đã chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản 8366686888 được cho là của Công ty Nhật Nam tại ngân hàng ACB, mà không hề ký vào bất cứ giấy tờ cũng như bản hợp đồng nào.

“Ham lợi nhuận cao nên tôi đã giấu vợ con, dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm, đồng thời đi vay mượn thêm để đầu tư mà không hề do dự. Theo lời cam kết từ chị Phương thì công ty sẽ trả lãi suất 8%, mỗi ngày hưởng 2 triệu đồng (trừ thứ 7, chủ nhật), mấy ngày qua, họ đã chuyển đều khoản lãi vào tài khoản của tôi”, anh V.X.S chia sẻ.

Đáng nói, sau một tuần kể từ khi chuyển khoản đầu tư thì biến cố bất ngờ xảy ra khi gia đình anh S. cần một khoản tiền lớn để phẫu thuật cho con trai, không còn cách nào xoay sở, anh S. đành tìm chị Phương và Công ty Nhật Nam xin rút khoản tiền đã đầu tư, thế nhưng lúc này công ty nơi anh S. đặt niềm tin bỗng “trở mặt”.

“Công ty nói, nếu tôi hủy hợp đồng thì sẽ phải chịu khoản phí phạt là 30% tổng số tiền đã đầu tư cùng toàn bộ số tiền được đã hưởng 7 ngày qua. Tôi choáng váng, vậy là toàn bộ số tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi bao nhiêu năm qua sẽ không cánh mà bay, mấy ngày nay vợ chồng thường xuyên cãi vã, gia đình đứng trước nguy cơ tan nát”, anh S. ngậm ngùi chia sẻ.


Một giao dịch chuyển tiền đầu tư của anh V.X.S. Ảnh: Nguyễn Giang

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh V.X.S cho biết, sau khi sự việc xảy ra, anh tìm hiểu qua báo đài, cùng bạn bè mới vỡ lẽ, Công ty Nhật Nam hoạt động theo mô hình đa cấp, và có dấu hiệu lừa đảo.

“Những lần họ mời tôi đi dự hội nghị, có rất nhiều người giới thiệu là lãnh đạo ở Trung ương, ở tình này, tỉnh kia. Thậm chí có lần có cả thiếu tướng ở Bộ Công an đến dự và phát biểu khiến tôi hoàn toàn tin tưởng để đầu tư mà không hề nghĩ đến việc sẽ bị họ “siết cổ” thế này”,  anh S. buồn bã nói.

Đáng chú ý, lần theo những hồ sơ, tài liệu, video mà gia đình anh V.X.S cung cấp, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên hệ trực tiếp với ông P.T.L – nhân vật được giới thiệu đương chức “thiếu tướng – Phó cục trưởng cục Khoa học chiến lược – Bộ Công an”  - người xuất hiện trong video tại một sự kiện của Công ty Nhật Nam. Và cũng là một nhân vật được người có tên Phương nhắc đến nhiều nhất khi mời anh V.X.S đầu tư góp vốn.Tuy nhiên, điều bất ngờ với phóng viên là nhân vật này đã không thừa nhận có chức danh này.

“Tôi không phải Thiếu tướng, họ giới thiệu về tôi như vậy là sai. Tôi chỉ đến dự hội nghị của Công ty Nhật Nam một lần duy nhất, họ có mời tôi đầu tư góp vốn, nhưng sau đó tôi đã từ chối và không hề đầu tư hay tham gia gì ở công ty này”, ông P.T.L nói với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng trong một số tin nhắn mời đầu tư của người có tên Phương, có một nhân vật được người này thường xuyên nhắc đến khiến anh S. hoàn toàn tin tưởng và “đổ gục”, đó là việc nhân sự cố vấn pháp luật cho công ty này để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư là một “đại tá Công an” có tên K.V.H.  

“Đại tá K.V.H còn tham gia đầu tư vào Công ty Nhật Nam 50 tỷ đồng, chị chia sẻ thêm thông tin để em yên tâm”, Phương nói trong tin nhắn, đồng thời gửi thêm một video giới thiệu đại tá K.V.H đang phát biểu.

Theo xác minh của phóng viên, ông K.V.H ngày trước công tác giảng dạy tại một trường nghiệp vụ của Bộ Công an, nay đã nghỉ hưu. Trả lời trực tiếp phóng viên, ông K.V.H thừa nhận đang là cố vấn luật cho Công ty Nhật Nam.

“Tôi đã nghỉ hưu và đang làm cố vấn cho công ty, đồng thời cũng là nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi chỉ tham gia một chút, chứ không có đến 50 tỷ như bạn hỏi”, ông K.V.H trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp.


Trụ sở Công ty Nhật Nam tại 79-81 đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Giang

Chiều ngày 8/7/2022, phóng viên trong vai là một người thân của anh V.X.S tìm đến trụ sở Công ty Nhật Nam có địa chỉ tại 79-81 đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội để tìm hiểu thông tin về việc xin “dừng đầu tư” của anh V.X.S.

Tiếp chúng tôi tại một phòng khách lộng lẫy của một lãnh đạo có  tên “Mr Đức” (Theo bảng tên trong phòng làm việc là Nguyễn Văn Đức – Thành viên Ban chiến lược – PV), sau khoảng 2 giờ đồng hồ, có 5 nhân vật lần lượt được giới thiệu là các “cổ đông lớn”, lãnh đạo bộ phần truyền thông, cố vấn dự án, cố vấn Công ty lần lượt đến “hỏi thăm”, thuyết phục tiếp tục đầu tư và cảnh báo “nếu dừng sẽ bị phạt 30% tổng số tiền đã đầu tư”. Lúc này nhân vật có tên “Mr Đức” mới xuất hiện và thẳng thắn.

“Thế thì cứ đúng theo quy định mà làm, anh chị mang đơn xuống bộ phận pháp chế”, người này nói.
Còn nữa..

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn


 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889