Loading...

Chặn đứng âm mưu kích động gây chia rẽ

Vấn nạn tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng thời gian qua có nội dung phổ biến như kích động, chia rẽ; nói sai sự thật, không có căn cứ, cơ sở về vắc xin; tin giả về tình hình ở các khu phong tỏa, khu cách ly và những thông tin sai sự thật về chính sách cứu trợ, hỗ trợ người dân của chính quyền.

Bài viết có nội dung gây bức xúc trên trang cá nhân của nữ MC V.H.P

Khi lòng tốt bị vu vạ…

Trong những ngày đại dịch COVID-19 hoành hành khiến người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cả nước đã luôn hướng về TPHCM. Hàng nghìn y bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang từ các vùng miền không ngại hiểm nguy, tình nguyện vào thành phố chống dịch. Không ít người không thể về chịu tang khi người thân đột ngột qua đời.

Truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái” một lần nữa được phát huy, hỗ trợ TPHCM từng bước kiểm soát dịch bệnh, bất chấp kẻ xấu ra sức chống phá, tấn công vào thành trì vững chắc này.

Đầu tháng 7, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại TPHCM, vừa rời “điểm nóng” Bắc Giang, hơn 300 giảng viên, sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tình nguyện vào TPHCM để hỗ trợ ngành y tế địa phương chống dịch.

Thời điểm ấy, TPHCM bắt đầu triển khai tầm soát trên diện rộng để kịp thời phát hiện các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, rất cần huy động số lượng lớn các kỹ thuật viên có kinh nghiệm lấy mẫu xét nghiệm.

Trên mạng xã hội, nhiều kẻ xấu tung tin rằng, các giảng viên và sinh viên y tế từ Hải Dương vào TPHCM là để phục vụ cho khách hàng mua nhà tại các dự án khu dân cư cao cấp theo yêu cầu của một đại gia bất động sản có máu mặt chứ không phải vào hỗ trợ người dân TPHCM. Và, từ một sự cố rất nhỏ trong khâu tổ chức, hàng loạt thông tin sai sự thật kèm bình luận ác ý lan tràn trên mạng, không chỉ nhằm vào các bạn sinh viên, mà còn kích động, khơi sự phân biệt vùng miền, thậm chí kêu gọi tẩy chay, từ chối sự giúp đỡ nguồn lực từ các tỉnh: “Sài Gòn đâu thiếu bác sĩ giỏi”, “sao không huy động sinh viên ngành y tại chỗ của Sài Gòn mà lại phải đưa từ Bắc vào”, “đi nghỉ dưỡng cao cấp không tốn tiền hay đi chống dịch?”…

Sự việc càng phức tạp vì có sự chia sẻ, hưởng ứng một cách dễ dãi của một số nghệ sỹ. Đơn cử như MC V.H.P (nghệ danh Trác Thúy Miêu) đăng bài viết trên tài khoản Facebook Phuong Vu vào ngày 3/7, có nội dung: “Mấy em tình nguyện viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương ơi, đoàn mấy trăm người chắc chắn có người này kẻ khác nhưng giờ nói gộp luôn cho lẹ. Sinh viên Y dược Sài Gòn, kể cả tình nguyện viên từ thanh niên, nghệ sĩ, y bác sĩ, khỏi có ở đâu rần rần máu chiến như Sài Gòn. Tụi em nhắm học hỏi, cảm thụ được thì làm, còn cà chớn như cách tụi em đã làm ở Gò Vấp thì ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về, Sài Gòn đang bận dữ lắm...”.

Bài viết sau đó đã bị xóa nhưng nhiều kẻ xấu, đặc biệt là các trang web “đen” của các thế lực thù địch đã kịp thời sao chép và có những bình luận xuyên tạc, khoét sâu nỗi đau chia cắt 2 miền, kích động người dân tại TPHCM.

Vụ việc liên quan đến MC V.H.P chưa lắng xuống thì bà N.T.H (mẹ một diễn viên khá nổi tiếng) đăng một bài viết trên tài khoản Facebook “Hằng Nguyễn”, có một số nội dung miệt thị, gây chia rẽ như “Sài Gòn phải ăn cứu trợ”, “Sài Gòn ăn đồ từ thiện của dân nghèo, mọi miền khó khăn của đất nước”...Trước sự phẫn nộ của dư luận, “Hằng Nguyễn” đã xin lỗi, thừa nhận thông tin sai, gây tổn thương và mong muốn mọi người tha thứ.

Nội dung bài viết trên tài khoản cá nhân “Hằng Nguyễn” gây phẫn nộ dư luận

Giấy không gói được lửa

Thực tế, khi xung phong vào TPHCM chống dịch, cũng như nhiều lực lượng tình nguyện, các sinh viên Hải Dương được bố trí ăn nghỉ tại một số khách sạn, nhà nghỉ vắng khách do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Và, các bạn cũng không được đi du lịch Phú Quốc như những lời đồn thổi ác ý vì thời điểm ấy, hòn đảo này bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và tạm ngưng đón khách du lịch.

Giữa lúc vắc-xin phòng COVID-19 đang khan hiếm, chỉ dành cho những đối tượng ưu tiên theo quy định, những thông tin khoe khoang trên trang cá nhân của một người đẹp tại Hà Nội khiến nhiều người bức xúc về tình trạng tiêu cực, lợi dụng quan hệ để được tiêm vắc-xin.

Từ tiêu cực mang tính cá biệt, nhiều kẻ xấu đã bình luận ác ý thành “đặc quyền, đặc lợi” trong tiếp cận vắc-xin của người giàu, người có quan hệ, thậm chí xuyên tạc có sự phân biệt vùng miền khi so sánh một cách thiếu căn cứ rằng “Hà Nội được phân bổ 5,1 triệu liều vắc-xin” trong khi TPHCM tình hình dịch phức tạp hơn nhưng vắc xin lại được phân bổ nhỏ giọt… Trên thực tế, đến thời điểm đó, lượng vắc-xin chính thức đã tiêm tại Hà Nội chỉ hơn 200.000 liều và phần lớn nguồn lực được Chính phủ và Bộ Y tế tập trung phân bổ cho TPHCM.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, vấn nạn tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng thời gian qua có nội dung phổ biến như kích động, chia rẽ; nói sai sự thật, không có căn cứ, cơ sở về vắc xin; tin giả về tình hình ở các khu phong tỏa, khu cách ly và những thông tin sai sự thật về chính sách cứu trợ, hỗ trợ người dân của chính quyền.
 

Giữa ma trận các thông tin nhiễu loạn, dòng chảy thông tin từ những người biết và hiểu được sự thật, những lời tri ân, cảm ơn gửi đến các bạn sinh viên, tình nguyện viên, các y bác sĩ tuyến đầu, lực lượng bộ đội đã vào hỗ trợ TPHCM chống dịch luôn chủ đạo và áp đảo.

Đến nay, đã có hơn 10.000 y, bác sĩ, sinh viên ngành y và hàng nghìn bộ đội, chiến sĩ công an từ các tỉnh miền Bắc vào TPHCM và các tỉnh miền Nam chung tay, hỗ trợ cùng người dân từng bước đẩy lùi được dịch bệnh.

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889