Những giọt nước mắt của ni sư khi kể lại câu chuyện đã cứu sống bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến… Những con người lặng lẽ đi vào tâm dịch với tâm từ bi như Bồ tát giữa đời thường…

Bồ tát giữa đời thường

Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này, đã có 1.250 vị là chức sắc, tín đồ, tình nguyện viên tham gia vào tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ nhân dân các khu cách ly phong toả. Trong đó, đã có 150 vị vào tham gia tại Bệnh viện Dã chiến số 10, 13 của TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Phần lớn họ là những tăng, ni trẻ, có trình độ chuyên môn về y khoa, điều trị nội trú, đang tu học và sinh hoạt tại các cơ sở đào tạo Phật giáo trong nước.

Tại tâm điểm của đợt dịch, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM đã có thư kêu gọi tăng, ni, Phật tử tham gia vào bệnh viện dã chiến.

Theo đó, đã có 600 tăng, ni, Phật tử xuất quân và có mặt tại các bệnh dã chiến. Đây là nguồn bổ sung lực lượng cần thiết cho tuyến đầu chống dịch tại TP HCM.

Đại đức Tâm Quang. Ảnh chụp qua màn hình 

Đại đức Tâm Quang là người đầu tiên được phục vụ ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 ở TP Thủ Đức.

Kể từ đó tới nay, nhiều đêm, Đại đức Tâm Quang trực chăm sóc bệnh nhân, trong đó có những đêm căng thẳng đến nghẹt thở khi có bệnh nhân trở nặng đột ngột.

Đại đức vẫn còn nhớ như in một đêm căng thẳng như thế, sau bao nỗ lực cấp cứu, đến 4 giờ sáng, bệnh nhân vẫn không qua khỏi.

Là một nhà tu hành, giây phút nhìn một người mình chăm sóc hằng ngày vừa ra đi, sư thầy thắt nghẹn trái tim, đứng thất thần giữa phòng bệnh.

Nhưng rồi, vị Đại đức trẻ đã phải nhanh chóng vực lại mình, bởi "nếu mình cứ đứng mất hồn như vậy thì 45 bệnh nhân nặng xung quanh nhìn vào mình sẽ thế nào?".

“Tôi nhanh chóng xếp lại cảm xúc cá nhân, tiếp tục ân cần chăm sóc, động viên tinh thần những bệnh nhân khác”, Đại đức Tâm Quang kể lại.

Nhiều Phật tử quặn lòng khi nghe câu chuyện của sư cô Thích Nữ Nhuận Bình tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, TP Thủ Đức, khi sư cô chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của Covid-19, và càng cảm động trước tấm lòng của những người ở tuyến đầu chống dịch, trong đó có các nhà tu hành.

Các bệnh nhân Covid-19, ngoài chịu đựng sự tàn phá của virus, còn phải chịu sự tổn hại rất lớn bởi suy sụp tinh thần do lo lắng, sợ hãi.

Hiểu được điều này nên công việc hằng ngày của sư cô không chỉ tiêm thuốc, đo các chỉ số sinh tồn, lấy nước, thức ăn cho bệnh nhân, dọn rác, đưa người bệnh đi vệ sinh… mà còn liên tục thăm hỏi, trò chuyện, động viên tinh thần cho những người đang rất mong manh giữa lằn ranh sinh tử.

Điều này hỗ trợ rất lớn cho hiệu quả điều trị bệnh. Bằng không, người bệnh nặng sẽ rất khó vượt qua thử thách.

"Tại bệnh viện dã chiến, cứ sau bữa cơm chiều, các bệnh nhân thường ra đứng ngoài cửa sổ để được giao lưu với mọi người. Họ tâm sự, có khi la hét rất lớn, bởi họ quá căng thẳng khi nhìn bệnh nhân khác sáng vẫn ăn uống bình thường, vẫn gọi video về cho gia đình, tới trưa đã trở nặng, khó thở, nếu không được cấp cứu kịp thời là mất rất nhanh.

Nhất là gia đình nào có nhiều người dương tính, nhưng mỗi người lại được đưa đi điều trị ở một bệnh viện khác nhau, thì sự căng thẳng càng lớn bởi họ lo lắng cho nhau.

Người bệnh càng mất tinh thần thì bệnh lý càng nặng hơn. Thế nên, các bệnh viện dã chiến thường mời các nghệ sĩ đến biểu diễn động viên y, bác sĩ và bệnh nhân.

Phần mình, tôi cũng dành rất nhiều tâm sức để trò chuyện, động viên, tư vấn tâm lý cho các F0”, sư cô Nhuận Bình kể.

Sư thầy Thích Thanh Đạo, Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước cho hay, bệnh nhân Covid-19 không có người thân bên cạnh, khi được hỗ trợ, hỏi thăm, họ cảm thấy đón nhận được tình yêu thương nên cũng mau bình phục. Nhìn nhiều người được xuất viện mừng vui, cảm ơn, thì cả bác sĩ và các tình nguyện viên đều thấy ấm lòng.

Tại Thủ đô Hà Nội, hàng nghìn tăng, ni cũng hướng về miền Nam ruột thịt.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, nơi đang đào tạo hàng trăm tăng, ni sinh trẻ, cũng hưởng ứng phong trào của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia tình nguyện vào bệnh viện dã chiến.

Đại đức Thích Đạo Mẫn - Chánh Văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho biết, rất nhiều tăng, ni sinh trẻ đang học tại học viện đã làm đơn phát nguyện gửi về văn phòng xin tham gia tuyến đầu chống dịch. Hội đồng Điều hành Học viện rất vui khi tăng, ni sinh đã ý thức được trách nhiệm công dân của mình mà hăng hái tham gia.

Trong đơn phát nguyện, ni sinh Thích Nữ Minh Nghĩa, HV4 viết: “Chúng con là những tăng, ni sinh trẻ, những người con của Như Lai, noi theo hạnh nguyện của ngài với tinh thần từ bi, nên xin phát nguyện được tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, góp phần nhỏ bé của mình sẻ chia những khó khăn với y, bác sỹ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chúng con nguyện cầu hồng ân Tam bảo, mong sao dịch bệnh sớm tiêu trừ để người dân trở lại cuộc sống bình thường. Được tham gia vào đội tình nguyện chống dịch, là niềm vinh hạnh của chúng con, nguyện làm hết sức mình để giúp đỡ người bệnh".

Hàng trăm tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Bên cạnh đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi tăng, ni, Phật tử tham gia các chương trình thiện nguyện như: Bữa ăn yêu thương; các chùa thực hiện các nghi thức tâm linh cầu quốc thái dân an, tiêu trừ bệnh tật, tụng Kinh Dược sư; tiếp nhận tro cốt của các bệnh nhân Covid-19; các chùa đáp ứng được cơ sở hạ tầng được chọn làm nơi tập trung, cách ly cho công tác phòng, chống dịch…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bếp ăn tình thương tại chùa Nam Thiên Nhất Trụ. Ảnh: CTV

Cụ thể: Tại chùa Nam Thiên Nhất Trụ; chùa Vĩnh Nghiêm… mỗi ngày phục vụ từ 4.000-10.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến, lực lượng chống dịch, người dân và sinh viên khó khăn ở TP HCM và tỉnh Bình Dương.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 và nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch gần 383 tỷ đồng, trong đó có hơn 100.000 khẩu trang N95, 25 máy thở đa năng cao cấp, 400 máy tạo oxy, 10 xe cứu thương, 500.000 phần quà và gần 1.000 tấn gạo, 5 triệu suất ăn…

Ngoài ra, đã có 1.250 tăng, ni, Phật tử tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch; 8 chùa, cơ sở tự viện được sử dụng làm điểm cách ly, chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống "tốt đời đẹp đạo" và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, với nhân dân, các tôn giáo đã, đang và sẽ tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

“Cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp”, đó là tinh thần từ bi của Đạo Phật. Hơn lúc nào hết, những người con của Như Lai đang thực hiện đúng sứ mệnh của mình, đem trí tuệ và từ bi để chia sẻ với chúng sinh đang gặp phải khó khăn, bệnh tật trong cuộc sống.

Nguồn: P.V Thanh tra