Loading...

Công bố nghiên cứu toàn diện xung đột Nga - Ukraine: Sa lầy?

"Khi lên kế hoạch cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, việc đánh giá thấp Lực lượng Vũ trang Ukraine và sự đoàn kết của NATO, đã khiến Nga bị sa lầy".

Viện nghiên cứu Lực lượng Liên hợp Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI) với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Kiev vừa công bố một nghiên cứu toàn diện về 5 tháng đầu tiên của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Mặc dù các tác giả của RUSI đã thực hiện nghiên cứu này chủ yếu nhằm phát triển các khuyến nghị cụ thể cho Lực lượng Vũ trang Anh, nhưng thông qua báo cáo này, có rất nhiều điều quan trọng mà Ukraine phải xem xét lại và Nga cũng nhận được nhiều thông tin đáng lưu ý cho mình.

Ví dụ, bản báo cáo đã đưa ra nhận định rằng, các cơ quan tham mưu và tình báo của Nga đã tính toán sai trong dự báo của họ, dẫn đến Moscow đã phạm sai lầm khi đánh giá quá thấp tiềm năng huy động chiến tranh và khả năng kháng cự của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Rõ ràng, trước khi mở cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”, người Nga đã cố gắng đánh giá tiềm năng của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đặt mình vào vị trí của đối thủ và đánh giá khả năng phản ứng của Quân đội Ukraine với những tiềm lực xác định vào thời điểm đầu năm 2022.

Vào tháng 2/2022, Lực lượng Lục quân Ukraine có sự thay đổi nhân sự rất lớn theo chiều hướng xấu do mức lương của quân đội không tương xứng, không theo kịp lạm phát và thấp hơn các vị trí trong khu vực tư nhân. Do đó, quân đội Ukraine lâm vào tình trạng thiếu chuyên gia quân sự và binh sĩ thiện chiến.

Đối với lực lượng pháo binh của Ukraine, người Nga nắm được dữ liệu rằng, Lực lượng vũ trang Ukraine có 1.176 đơn vị hệ thống pháo 122mm, 152mm và 203mm và 1.680 hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) các loại, tỷ lệ xấp xỉ 1/2 so với quân đội Nga.

Moscow cũng biết rằng, Kiev chỉ có đủ đạn pháo cho 6 tuần giao tranh ác liệt. Trước đó, đã có tới 210.000 tấn đạn dược đã bị phá hủy trong 6 vụ nổ kho vũ khí của Ukraine giai đoạn 2014-2018, trong khi quân đội Ukraine đã sử dụng 70.000 tấn đạn dược trong 5 năm tham chiến ở miền Đông Ukraine.

Về xe tăng, người Nga không chỉ dựa vào lợi thế về số lượng áp đảo là 2.800 chiếc so với 900 chiếc của Ukraine, mà còn dựa vào lợi thế về chất lượng, bởi T-64BV vẫn là loại xe tăng chủ lực trong lực lượng xe tăng của Ukraine, còn Nga đã có gần 1000 chiếc T-90MS, chưa nói đến siêu tăng T-14 Armata.

Đối với lực lượng phòng không và không quân, người Nga từ lâu đã nắm được nguồn dữ liệu rằng, Ukraine có khoảng 60 sư đoàn tên lửa phòng không cả tầm xa, tầm gần và tầm trung, cùng với khoảng 100 máy bay chiến đấu, không đủ để bao phủ hoàn toàn không phận của đất nước

Có thể nói rằng, Moscow hoàn toàn nắm chắc về thực lực và tiềm lực quân sự của Ukraine nhưng có những điều mà người Nga hoàn toàn không thể tính toán được, ví dụ như số lượng quân dự bị chính quyền Kiev có thể huy động được trong trường hợp bùng phát chiến tranh.

Khi đó, Moscow cho rằng nếu chiến tranh nổ ra, Quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng rã đám và thanh niên Ukraine sẽ trốn lính hàng loạt nhưng thực tế là họ đã đánh giá sai về khả năng huy động chiến tranh của chính quyền Kiev và động lực chiến đấu của giới thanh niên Ukraine.

Lực lượng Tác chiến Đặc biệt lên trực thăng Mi-8 của Hàng không Lục quân Ukraine trong cuộc tập trận Zametil-2022, tháng 2/2022

 

Người Nga chỉ tính đến số lượng đạn pháo của Ukraine mà không tính được thực tế rằng các xạ thủ Ukraine đã rất nỗ lực cải thiện độ chính xác của hỏa lực, bằng hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh rất tiên tiến và thông minh Kropyva và các loại UAV trinh sát nhập ngoại.

 

Ngay cả khi xe tăng Ukraine về lí thuyết và cả thực tế đều kém xa xe tăng của Nga, nhưng quân đội Ukraine vẫn chăm chỉ tự huấn luyện và vận dụng tốt những yếu tố chiến thuật để bù đắp cho điểm yếu về trang bị kỹ thuật.

Ngoài ra, lực lượng không quân Ukraine chỉ có khoảng 100 máy bay chiến đấu. Nhưng vào đầu cuộc chiến, Không quân Nga chỉ có khoảng một trăm phi công có trình độ cao hoặc đã từng trải nghiệm thực tế chiến đấu ở Syria, nên thực tế là lực lượng của hai bên cũng không quá chênh lệch.

Ngoài ra, các phi công lái máy bay tiêm kích Ukraine thường xuyên luyện tập thoát khỏi đòn tấn công bằng tên lửa không đối không tầm xa của đối phương. Những điều này đã phát huy tác dụng của nó ngay từ sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào rạng sáng ngày 24/2/2022.

Ngoài việc đánh giá thấp Kiev, Moscow cũng không lường trước được sự thống nhất nội bộ Liên minh châu Âu và NATO trong việc ủng hộ về tinh thần và hỗ trợ vật chất cho Kiev, khiến Quân đội Ukraine luôn được tăng cường số lượng rất lớn vũ khí nước ngoài, nhanh chóng bù đắp được những tổn thất.

Với việc vũ khí phương Tây đổ vào Ukraine ngày càng nhiều về số lượng và nâng dần về chất lượng, đặc biệt là tầm xa của các loại vũ khí đã khiến Quân đội Ukraine có khả năng tấn công mạnh mẽ hơn vào cả hậu phương của Nga. Moscow dường như đã sa vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm với cả khối NATO


Đoàn xe tăng T-64 của Lữ đoàn 93 Ukraine trong cuộc tập trận Zametil-2022, tháng 2/2022

Bên cạnh đó, Moscow cũng có những sai lầm lớn về chiến lược khi đặt ra mục tiêu quá tham vọng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi mở rộng bình diện chiến trường ở phía nam (Kherson, Mikolaiev), tới Zaporozhia, Donetsk, Lugansk, Kharkov, Chernihiv tới tận Kiev ở phía bắc, khiến Nga không đạt được mục tiêu.

Việc phải lần lượt rút khỏi khỏi Kiev, Chernihiv, Kharkov, Mikolaiev…, đã khiến tinh thần của quân đội Ukraine lên cao và sĩ khí quân Nga giảm sút, buộc Moscow phải chuyển sang giai đoạn 2 của cuộc chiến với mục tiêu hẹn hẹp hơn là giải phóng hoàn toàn Donbass và giữ vững các vùng đã chiếm được, mà trọng tâm là Kherson - cửa ngõ nối với bán đảo Crimea.

Theo bình luận của giới quân sự phương Tây, chính những nỗ lực tự thân của Ukraine và sự hỗ trợ từ nước ngoài đã khiến chính quyền Kiev đứng vững trong cuộc chiến không cân sức với Nga và nếu không nhanh chóng có những thay đổi, Moscow sẽ sa lầy trong cuộc chiến này.

Ngược lại, sau đòn tấn công tổng lực kéo dài khoảng 1 tháng, đến cuối tháng 3 Moscow tuyên bố đã đạt được mục tiêu ban đầu khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là “phá hủy tiềm lực quân sự của Ukraine và các căn cứ có thể được NATO sử dụng để tấn công Nga”.

Vào ngày 26/3, Moscow tuyên bố chuyển sang giai đoạn 2 của chiến dịch với mục tiêu cốt yếu là giải phóng hoàn toàn khu vực Donbass, với toàn bộ lãnh thổ của hai vùng Donetsk và Lugansk như trước tháng 2/2014.

Kể từ đó, Nga chỉ tập trung phòng thủ ở khu vực Kherson và tiếp tục chiến dịch tấn công ở miền Đông và đã đạt mục tiêu giải phóng hoàn toàn Luugansk vào cuối tháng 6 vừa qua, sau đó đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại những vùng hiện đang nằm trong tay Quân đội Ukraine ở khu vực Donetsk .

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
https://giaoducthoidai.vn/cong-bo-nghien-cuu-toan-dien-xung-dot-nga-ukraine-sa-lay-post618472.html

 

 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889