Thành lập từ cuối năm 2016 với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, đến nay, VNVC của doanh nhân Ngô Chí Dũng đã nhanh chóng trở thành một trong các hệ thống tiêm chủng cao cấp và hàng đầu cả nước, với gần 50 trung tâm tiêm chủng tính đến tháng 1/2021.

VNVC là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sở hữu hơn 50 hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh đạt chuẩn GSP trên toàn quốc, hệ thống phân phối, đội ngũ nhân sự gần 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên chuyên nghiệp, quy trình tiêm chủng an toàn.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam
 

Ông Ngô Chí Dũng cũng không phải là người xa lạ trong giới kinh doanh dược phẩm, y tế, thực phẩm chức năng, khi ông cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) - chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP (Eco Pharmacy). Đồng thời, cũng là người tiên phong dựng nhà thuốc online, với website thương mại điện tử ecogreen.com.vn chuyên phân phối các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.

Ông cũng là "người cũ" tại BV Pharma, và đây có lẽ chính là chặng thời gian tích lũy kinh nghiệm để vị doanh nhân sinh năm 1974 này đã thay đổi tư duy kinh doanh thuốc bán lẻ và nhắm vào thị trường tiêm chủng vắc xin.

Trong quãng thời gian qua, cùng với đà mở rộng của các trung tâm VNVC len lỏi đến các đô thành, vốn điều lệ của VNVC đã tăng dần, đạt mức 80 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu của các cổ đông không đổi thay. Cập nhật mới nhất đến tháng 7/2020, vốn của VNVC tiếp tục tăng lên 140 tỷ đồng. Tham vọng mở rộng các trung tâm của công ty đang nở dần theo số lượng địa chỉ hiện diện và theo nguồn lực đầu tư. 

Theo số liệu từ chính VNVC, hiện tại Hà Nội đã có 8 trung tâm tiêm chủng cao cấp, trong đó VNVC Long Biên là trung tâm thứ 8 mới được khai trương hồi đầu tháng 2. Đồng thời, đây cũng là dịp VNVC công bố là đơn vị chính thức nhập 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca và tiến hành tiêm chủng cho người dân trong nửa đầu năm 2021. VNVC cũng có mặt tại TP HCM với Trung tâm hiện đại và quy mô nhất trên cả nước. Riêng VNVC địa chỉ ở Hoàng Văn Thụ, 1 trong 7 địa chỉ tại TP HCM, đã có thể phục vụ lên tới 2.500 lượt khách mỗi ngày. 

Sau hơn 4 năm thành lập, VNVC đã bắt đầu báo lãi trong năm 2019 với doanh thu thuần đạt 2.334 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với năm 2018 là 446,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của công ty dao động quanh mức 26%.


Chưa đầy 4 năm hoạt động, VNVC đã cán mốc doanh thu nghìn tỷ và vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp về
tiêm chủng vắc xin hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh bảo vệ INVICO Nghệ An cung cấp.
 

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh trong năm 2019 của VNVC cũng rất lớn khi chỉ số ROE đạt đến 108,55% tương đương với 1 đồng vốn bỏ ra sẽ thu về gần 1,09 đồng lợi nhuận thuần. Chỉ số này cũng được so sánh là lớn hơn nhiều đơn vị cùng ngành tại Việt Nam. Như vậy, hoạt động kinh doanh vắc xin tại VNVC bứt tốc khá nhanh và đạt kết quả xuất sắc trên đường đua.

Bước sang năm 2021, đánh dấu những bước ngoặt lớn cho VNVC khi tiếp tục thành lập thêm trung tâm tiêm chủng vắc xin, đồng thời ký kết hợp tác với ngân hàng Quân đội (MB) về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số hóa.

Theo đó, MB sẽ cung cấp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ của VNVC trên đa kênh. Với các giải pháp đặt lịch tiêm phòng và thanh toán số, khách hàng của VNVC có thể sử dụng đa dạng phương thức thanh toán trên cả hai hệ sinh thái của VNVC và MB, giảm thời gian chờ đợi, góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng. Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho lĩnh vực y tế, ngân hàng, đem đến cho người dân Việt Nam một sự chuyển dịch lớn trong hạ tầng thanh toán vừa tiết kiệm thời gian, thủ tục, tài chính, đồng thời mang lại trải nghiệm tốt nhất cho cộng đồng.

Đặc biệt, ngày 24/2 vừa qua, lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Đây là vắc xin của hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu AstraZeneca phối hợp với đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất, được đưa về Việt Nam theo hợp đồng giữa VNVC và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11-2020.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của hệ thống tiêm chủng VNVC và công ty AstraZeneca đã sớm tiến hành các thỏa thuận đặt mua vắc xin ngay từ giai đoạn rất sớm, khi còn trong quá trình nghiên cứu phát triển vắc xin, từ đó Việt Nam sớm có lô vắc xin này.

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì nhất định cần thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VNVC cũng chia sẻ, đây có thể xem là sự kiện mang tính lịch sử của Việt Nam nói chung và VNVC nói riêng. Với hợp tác này, người dân Việt Nam sẽ được sử dụng một trong những loại vắc xin phòng COVID-19 an toàn, chất lượng hàng đầu thế giới, cùng thời điểm với các quốc gia tiên tiến. Từ nay, người dân Việt Nam sẽ sớm được bảo vệ sức khoẻ và tính mạng trước đại dịch, nền kinh tế sẽ sớm có cơ hội phục hồi.

Nhiều chuyên gia nhận định, không chỉ đợi đến COVID-19, thị trường ngành tiêm chủng vắc xin mới sôi động. Trong quá khứ, hiện tại lẫn trong tương lai, thị trường vẫn còn màu mỡ với các doanh nghiệp tư nhân, khi mức độ gia tăng dân số ở Việt Nam trong 10 năm qua luôn ổn định.  Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng được đánh giá là nhân tố tích cực. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng khiến một thế giới nhìn lại về giá trị của sức khỏe, sự biến đổi khó lường của nhân tố liên quan đến sự phòng bị và ứng xử của con người với chính bản thân và với xung quanh.

"Thế giới sẽ quay trở lại  cuộc sống bình thường sau khi vắc xin COVID-19 thế hệ thứ 2 và virus corona bị tiêu diệt trên toàn cầu", tỷ phú Bill Gates từng dự báo như vậy. Song sự cần thiết và cơ hội của các công ty như VNVC, từ đây, sẽ còn được đánh giá cao và tiếp tục rộng mở trong tương lai.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp