Loading...

Covid-19 ở Việt Nam sáng 11/3: Không có ca mắc mới; Công bố thông tin lịch trình cung ứng 60 triệu liều vaccine

Bản tin 6h của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, sáng 11/3 cả nước không có ca mắc mới. Hiện tổng số có 44.500 người đang cách ly chống dịch.

Covid-19 ở Việt Nam sáng 11/3: Cả nước không có ca mắc mới, tổng số có 44.500 người đang cách ly chống dịch

Số ca mắc ở Việt Nam:

Tính từ 18h ngày 10/3 đến 6h ngày 11/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Cả nước hiện vẫn có 2.526 bệnh nhân Covid-19, trong đó có tổng cộng 1585 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 895 ca.

Trong đó, riêng Hải Dương có 711 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca)

10 tỉnh, thành phố đã qua 26 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội, đã 23 ngày không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.

Hải Phòng: tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 16 ngày thành phố này không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 44.540, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 497

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.065

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 28.978.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.004 bệnh nhân Covid-19.

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 48 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 42 ca, số ca âm tính lần 3 là 118 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng là bệnh nhân nặng nhất, bệnh nhân đã dừng ECMO 13 ngày, tập cai thở máy nhiều ngày nhưng vẫn còn khó khăn nên vẫn duy trì tỷ lệ 80% thở máy, 20% tự thở.

Bệnh nhân cai thở máy khó khăn do sức cơ yếu, suy tim nặng và huyết động không ổn định.

Sau khi kết thúc ECMO, hiện phổi bệnh nhân thông khí khá tốt, oxy máu luôn đảm bảo. Tuy nhiên, chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu của bệnh nhân khó hồi phục.

Đặc biệt bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe doạ tính mạng...

Dù vậy bệnh nhân đã tự ăn gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa (qua ống thông), có hỗ trợ truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch 20%.

BN1536 đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc. Đồng thời bệnh nhân cũng đang phải dùng phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, kháng nấm do kết quả xét nghiệm cho thấy có khả năng đã bước vào đợt nhiễm trùng bội nhiễm mới do nấm hoặc vi trùng khác.

Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Thông tin tiêm chủngĐã có 433 người được tiêm chủng vaccine Covid-19 trong ngày thứ 3

Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR) có thêm 433 người được tiêm chủng an toàn vaccine phòng Covid-19 trong ngày 10/3 - ngày thứ ba triển khai tiêm chủng 117.600 liều vaccine đầu tiên của AstraZeneca.

Tính đến cuối giờ chiều ngày 10/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 955 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.

Chi tiết 955 người được tiêm trong ba ngày 08-10/3/2021 như sau:

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh): 127 người;

- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh: 474 người;

- Hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP. Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành: 218 người.

- Bệnh viện Thanh Nhàn, TP. Hà Nội: 36 người.
 

- Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai: 100 người.

Theo Chương trình TCMR, chưa có trường hợp nào tiêm chủng ngày 10/3 báo cáo phản ứng sau tiêm vaccine. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của hai ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… Trong ba ngày triển khai đầu tiên, công tác an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình TCMR đặt lên hàng đầu và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.

Thông tin lịch trình cung ứng 60 triệu liều vaccine

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam, chiều 10/3, Tổ công tác liên bộ gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công an đã họp thảo luận về việc tiếp nhận 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 mà Công ty VNVC đặt mua của AstraZeneca để cung ứng cho Việt Nam, trong đó bao gồm 117.600 liều đang được triển khai tiêm chủng cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch tại 13 tỉnh và thành phố.

Tổ công tác liên bộ thống nhất trình Thủ tướng xem xét và quyết định tiếp nhận toàn bộ 30 triệu liều vaccine này theo nguyên tắc phi lợi nhuận, giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của AstraZeneca cùng các chi phí khác như thuế VAT, bảo hiểm, vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản… Toàn bộ chi phí đã phát sinh trước thời điểm chuyển giao do VNVC tự chi trả.

Các thành viên tổ đàm phán đánh giá cao nỗ lực của VNVC trong việc phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tìm kiếm nguồn cung, đàm phán với đối tác AstraZeneca, đặt mua vaccine chấp nhận rủi ro đặt cọc 30 triệu USD trong thời điểm vẫn đang thử nghiệm lâm sàng.

Bên cạnh đó, VNVC còn tích cực phối hợp cùng Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia triển khai tiêm chủng 117.600 liều đầu tiên theo Kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 của Bộ Y tế được ban hành kèm Quyết định số 1467/QĐ-BYT. Việt Nam là nước thứ hai trong khu Đông Nam Á triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca.

Trong khi đó, theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), ngày 25/3/2021 lô vaccine đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều vaccine của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam.

Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam ngày 25/4/2021.

Như vậy, đến hết tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ COVAX Facility.

Khoảng 25,9 triệu liều vaccine còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8- 11/2021.

Vaccine AstraZeneca thông qua Công ty VNVC cung ứng:

VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vaccine tại Việt Nam, cùng với COVAX Facility và UNICEF. VNVC chuyển giao vaccine mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận.

Cuối tháng 2/2021, 117.600 liều vaccine của hãng AstraZeneca do SK Bio Hàn Quốc sản xuất đã về đến Việt Nam và được triển khai tiêm chủng từ ngày 8/3.

Dự kiến, các đợt vaccine tiếp theo với tổng số 29,87 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều).

Ban Biên tập
Theo Bộ Y tế

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889