Loading...

Cựu Chủ tịch Trung tâm hỗ trợ người nghèo bị đề nghị án chung thân


Chiều 4/8, đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Đức Trung tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo đồng phạm của bị cáo Trung bị đề nghị từ 7 đến 17 năm tù.  

Sau ba ngày TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Đức Trung (SN 1961, ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (viết tắt là Trung tâm hỗ trợ người nghèo), thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam và 4 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, qua chương trình “Trái tim Việt Nam”, chiều 4/8, đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà đã trình bày quan điểm giải quyết vụ án và mức án đối với từng bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Đức Trung tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt các cựu nhân viên Trung tâm hỗ trợ người nghèo gồm: bị cáo Bùi Thị Oanh (SN 1956, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội, là cán bộ hưu trí) từ 16-17 năm tù; bị cáo Phạm Thị Thoa (SN 1989, ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) từ 9-10 năm tù; bị cáo Phạm Văn Lực (SN 1978, ở phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) từ 7-8 năm tù; bị cáo Nhâm Sỹ Phúc (SN 1967, ở phường Phú Khánh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) từ 7- 8 năm tù.


Bị cáo Trần Đức Trung tại phiên toà.

 

Trong quá trình thẩm vấn, các bị cáo đồng phạm của bị cáo Trần Đức Trung đều thành khẩn khai báo và cho biết, họ thực hiện thu tiền của người đóng góp vào trung tâm theo chỉ đạo của Trần Đức Trung. Họ mong được các bị hại trong vụ án tha thứ và được tòa giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Trần Đức Trung phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng. 

Về lời khai nhận tội và xin được hưởng khoan hồng của các bị cáo đồng phạm, bị cáo Trung phủ nhận và đổ lỗi cho đồng phạm “khai gian dối”.

Theo trình bày của bị cáo Trung, trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được thành lập vào năm 2013, nhưng có hai năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả.

Năm 2015, bà Lê Thị Hằng (SN 1963 ở Hà Nội, cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo, đã mất vì bệnh lý nên cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Hằng) giới thiệu các bị cáo Lực và bị cáo Phúc vào làm việc tại trung tâm.

Thời điểm đó, Lực và Phúc đang điều hành “Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giầu” (câu lạc bộ hoạt động theo mô hình đa cấp- PV). Bị cáo Trung cho rằng, câu lạc bộ không giúp đỡ được nhiều cho người nghèo nên từ ngày 1/6/2015, bị cáo ký quyết định ủy quyền cho nhóm điều hành “Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu” triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam”.

Theo lời khai của bị cáo Trung, khi triển khai chương trình, tất cả những người tham gia chương trình“Trái tim Việt Nam” phải đóng góp tiền tự nguyện.
 

Về hình thức hoạt động của chương trình “Trái tim Việt Nam”, bị cáo Trung giải thích, trung tâm phát động chương trình này nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức thông qua trung tâm có thể tự nguyện ủng hộ người nghèo trực tiếp hoặc gián tiếp. Và để kích cầu những người tự nguyện ủng hộ, nhóm của bị cáo Trung đưa ra chính sách: “Nếu ai giới thiệu được người sau tham gia nộp 1,2 triệu đồng vào trung tâm thì sẽ được nhận hoa hồng 500 nghìn đồng, đồng thời được phát một thẻ giảm giá mua sản phẩm”. Nhưng khi chủ toạ phiên toà hỏi “Thẻ giảm giá mua được sản phẩm cụ thể gì?” thì bị cáo Trung không trả lời.

Trong khi đó, trình bày tại phiên toà, các bị hại đều khẳng định, họ chỉ đóng tiền và mất tiền chứ chưa được trung tâm của bị cáo Trung hỗ trợ gì.  

Như Báo CAND đã phản ánh Trung tâm hỗ trợ người nghèo thành lập năm 2013, chưa được cấp phép hoạt động và không có hoạt động phát sinh doanh thu. Nhưng từ tháng 4/2015, bị cáo Trung cùng đồng phạm lấy danh nghĩa trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”. Họ đưa ra chính sách bất khả thi, hứa hẹn hỗ trợ lại với lãi suất cao cho những ai nộp tiền vào trung tâm.

Để tạo niềm tin, các bị cáo đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn của trung tâm; hứa hẹn với người tham gia trong khoảng thời gian nhất định sẽ nhận được tiền theo chính sách. Nhưng nguồn tiền để chi trả được lấy của người tham gia sau để trả cho người tham gia trước.

Bị cáo Trung và đồng phạm đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm để thu tiền của hơn 1.000 bị hại tại 16 tỉnh, thành phố, tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng. Số tiền này, các bị cáo sử dụng cá nhân hơn 49 tỷ đồng, trung chiếm hưởng 26,3 tỷ đồng.

Năm 2015, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới giải thể. Các bị cáo tiếp tục móc nối để tổ chức chương trình “Liên kết ba miền”, hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng.

Qua chương trình “Liên kết ba miền”, các bị cáo thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người. Trong đó, bị cáo Trung dùng một phần chi trả cho những người tham gia chương trình, còn lại chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng.

Sáng 5/8 phiên toà tiếp tục với phần tranh luận.

Nguồn: CAND

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn

 


 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889