Loading...

Đấu súng đẫm máu tại Lebanon: Quân đội 'dẹp loạn'; Thủ tướng xin lỗi; Nga, Mỹ và quốc tế lên tiếng khẩn cấp

Ngày 14/10, đấu súng đã xảy ra tại thủ đô Beirut của Lebanon, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và khoảng hơn 30 người khác bị thương. Quốc tế đồng loạt lên tiếng sau vụ việc.
Một đối tượng sử dụng tên lửa vác vai trong vụ bạo lực đẫm máu hôm 14/10 ở thủ đô Beirut của Lebanon. (Nguồn: Reuters)

Địa điểm xảy ra đấu súng là khu vực giáp ranh giữa các khu dân cư của người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo dòng Shi'ite tại thủ đô Beirut. Địa điểm này cũng từng xảy ra giao tranh trong cuộc nội chiến Lebanon, bắt đầu ở Ain el-Remmaneh năm 1975.

Quân đội Lebanon, được triển khai gấp rút tại hiện trường ngay sau vụ đấu súng, thông báo đã bắt giữ 9 đối tượng, trong đó có một công dân Syria, đồng thời tiếp tục duy trì lực lượng tại khu vực này nhằm đảm bảo bạo lực không tiếp diễn.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun khẳng định, những kẻ gây ra vụ bạo lực sẽ phải chịu trách nhiệm, nhấn mạnh, "việc vũ khí một lần nữa là phương thức 'liên lạc' giữa phe phái đối địch là không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati đã xin lỗi người dân nước này sau khi vụ việc xảy ra, đồng thời cho hay, tình hình an ninh tại thủ đô Beirut hiện đã được cải thiện.

Quốc tế lên tiếng

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi các bên cố gắng kiềm chế, tránh khiêu khích và bạo lực.

Tổng Thư ký Guterres cũng một lần nữa nhắc lại cần phải điều tra một cách công bằng, minh bạch và rốt ráo vụ nổ tại cảng Beirut hồi năm ngoái.

Trong khi đó, người phát ngôn phụ trách vấn đề đối ngoại của Ủy ban Châu Âu (EC) Peter Stano thông báo, Liên minh châu Âu (EU) đang giám sát chặt chẽ tình hình tại Lebanon sau vụ nổ súng và sẵn sàng khôi phục các cuộc thảo luận về việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này nếu cần thiết.

Đại diện EC cho hay, EU vô cùng quan ngại về tình hình ở Lebanon sau vụ nổ súng, đồng thời kêu gọi các bên giữ bình tĩnh.

Tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price kêu gọi xoa dịu căng thẳng tại Lebanon, hối thúc các bên "kiềm chế, giảm leo thang căng thẳng".

Mỹ từ chối bình luận về người đứng sau vụ đấu súng đẫm máu trên, song một lần nữa chỉ trích Hezbollah, lực lượng được Iran hậu thuẫn mà Washington coi là tổ chức khủng bố.

Ông Price nói: "Tương lai nền dân chủ Lebanon phụ thuộc vào năng lực của công dân nước này trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn với sự tin tưởng vào pháp quyền. Bạo lực không được xảy đến với các thẩm phán. Họ không nên bị đe dọa, kể cả từ Hezbollah".

Về phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saeed Khatibzadeh lên án hành động sát hại những người biểu tình ở Lebanon, đồng thời miêu tả vụ xả súng là "cuộc nổi loạn do chính quyền Do Thái (Israel) hậu thuẫn".

Ngày 15/10, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi tất cả các bên ở Lebanon "thể hiện kiềm chế" sau các cuộc đụng độ, nhấn mạnh: "Moscow cực kỳ quan ngại về căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng ở Lebanon".

Các Bộ Ngoại giao Pháp và Ai Cập cũng lần lượt ra tuyên bố hết sức quan ngại về tình trạng bạo lực trên.

Ai Cập đồng thời kêu gọi người dân Lebanon cố gắng không có các hành động bạo lực và ưu tiên các lợi ích của đất nước.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Kuwait "kêu gọi công dân Kuwait đang có mặt tại đây thận trọng và tránh xa những địa điểm tập trung đông người cũng như ở một số khu vực an ninh bất ổn, đồng thời công dân nên ở nhà".

Bên cạnh đó, Kuwait cũng kêu gọi công dân nước này rời khỏi Lebanon, đồng thời khuyến cáo những người muốn tới Lebanon chờ đợi.

Nguyên nhân vụ bạo lực

Quân đội và xe cứu thương di chuyển trên đường phố Beirut ở khu vực xảy ra vụ đấu súng hôm 14/10. (Nguồn: Sputnik)

Vụ đấu súng xảy ra trong bối cảnh những người ủng hộ và đồng minh của phong trào Hồi giáo Hezbollah và Amal đã tập hợp lại để phản đối Thẩm phán Tarek Bitar, người đang điều tra vụ nổ cảng Beirut năm 2020. Hai phong trào này cáo buộc thẩm phán Bitar có hành vi "thiên vị chính trị" trong cuộc điều tra.

Phiên họp nội các Lebanon ngày 12/10 đã khép lại bằng một cuộc tranh cãi gay gắt khi các bộ trưởng thân với phong trào Hezbollah và Amal ép buộc chính phủ ủng hộ việc thay thế thẩm phán Bitar.

Phiên họp tiếp theo vào ngày 13/10 đã bị hoãn lại, cho thấy các phe phái trong nội các Lebanon không đạt được thỏa thuận nào, với việc một số bộ trưởng cho rằng, chính phủ không nên can thiệp vào các vấn đề tư pháp.

Vụ nổ kinh hoàng xảy ra ngày 4/8/2020 đã tàn phá cảng Beirut và một khu vực lớn ở trung tâm thủ đô Lebanon. Đây là một trong những vụ nổ không liên quan tới hạt nhân lớn nhất trong lịch sử, khiến ít nhất 218 người thiệt mạng và hơn 7.000 người bị thương.

Thảm họa xuất phát từ một kho lưu trữ 2.750 tấn amonium nitrate đã tồn tại từ lâu và được bảo quản rất kém tại cảng Beirut. Vụ nổ khiến cả thành phố rung chuyển và phá hủy nhiều tuyến phố di sản tại đây. Ước tính thiệt hại của vụ nổ này lên tới 15 tỷ USD.

Kể từ khi tiếp nhận điều tra về vụ nổ này, Thẩm phán Bitar đã triệu tập một loạt cựu thủ tướng, cựu bộ trưởng cũng như các quan chức quân đội và an ninh hàng đầu để thẩm vấn do nghi ngờ có sự bất cẩn dẫn tới sự cố.

Ông Tarek Bitar cũng ra quyết định bắt giữ nhiều nhân vật cấp cao, do họ nhiều lần không có mặt trong buổi thẩm vấn, trong đó bao gồm cả ông Ali Hasan Khalil.

Các nhà lãnh đạo chính trị của Lebanon, bao gồm một số cựu thủ tướng, chỉ trích ông Bitar vì cố tình điều tra các quan chức cấp cao - những nhân vật chỉ có thể bị xét xử bởi một tòa án đặc biệt.

Thẩm phán Tarek Bitar đã bị buộc phải đình chỉ cuộc điều tra vào ngày 12/10, sau khi các cựu bộ trưởng mà ông từng triệu tập để thẩm vấn phục vụ công tác điều tra đệ đơn kiện ông.

Tuy nhiên, trong sáng 14/10, một tòa án Lebanon đã bác bỏ các khiếu nại pháp lý nhằm vào ông Bitar, theo đó cho phép vị thẩm phán này tiếp tục điều tra về vụ nổ.

Nguồn: Báo Quốc tế

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889