Loading...

Ghi nhận Nhật ký ngày đầu tiên giải phóng Sài Gòn của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân

Cựu chiến binh - nhà văn Nguyễn Trọng Luân viếng mộ liệt sĩ là bạn chiến đấu cùng quê xã Đan Hà, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), hy sinh ngày 29/4/1975 trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi - TPHCM.
 
Chiều 30 tháng 4
Dân Sài Gòn kéo ra đường, vây kín khu vực Dinh Độc Lập. Họ đi xem quân giải phóng, họ đi tìm chồng, tìm con ở cả hai phía. Cái sự tìm người thân ấy còn kéo dài cho tới vài chục năm sau, nhưng nó bắt đầu từ chiều hôm nay. 
Tôi cũng không hiểu nổi làm sao người dân Sài Gòn chuẩn bị cờ đỏ sao vàng nhanh và nhiều đến thế. Cờ ở trên ban công, trên cánh cửa, nơi công sở và cả trên tay trai gái trên đường.
Đêm đầu tiên giải phóng Sài Gòn, điện vẫn lung linh sáng và người ta vẫn đi dạo phía vườn hoa. 
Mười một giờ đêm 30 tháng 4
Tôi đứng trên sân thượng nhà cố vấn Mỹ góc đường Phan Đình Phùng nhìn ra phía cảng. Tiếng còi tàu tu tu. Bình yên quá! Trời đầy sao. Gió từ cửa sông thổi vào mát rượi. Thành phố tinh khôi trong màn đêm lung linh như chưa hề có chiến tranh. 
Trong tôi ký ức về ngày hôm qua còn nóng hổi, nhưng bàn chân thì vẫn râm ran ngứa vì những vết nứt nẻ hành quân. Chúng tôi về thành phố để lại sau lưng bao nấm mồ đồng đội đang lạnh lẽo nơi rừng sâu, nơi đồng vắng. Để lại hàng ngàn ngày đói cơm thiếu thuốc trên cao nguyên. Bỏ lại những cơn sốt rừng tê tái gặm nhấm đời trẻ trai. Để lại những cánh rừng nương rẫy mà mình đã chai tay vun trồng nên khoai nên sắn.
Phút giây huy hoàng này có ai nhớ không những bản làng xa xăm chốn Sa Thầy Pô Cô, có những già làng đóng khố nhịn cơm đưa đường năm trước? Ai còn nhớ tới lời hò hẹn quay về nơi đã cưu mang mình, đã vực dậy trong lòng chiến sĩ niềm tin? 
Theo Thời báo An ninh
 
 

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889