Loading...

'Giật mình' vì thiếu vũ khí tấn công, Australia gấp gáp phát triển tên lửa

Trong bối cảnh an ninh khu vực và quốc tế phức tạp, Australia nhận thấy thiếu nhiều vũ khí tấn công để đảm bảo tự tin trước các nguy cơ. Đó là lý do chính quyền Canberra đẩy nhanh phát triển vũ khí siêu thanh.

Australia hợp tác với Mỹ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh. (Ảnh: defensenews)

Chưa hề có trong dự định

Thời gian gần đây, chính phủ Australia đã đưa ra một loạt thông báo về phát triển tên lửa. Có một điểm khá rõ ràng là các thông báo này đến vào thời điểm cuộc bầu cử Australia đang cận kề và chính quyền của Thủ tướng Morrison có rất nhiều quyết định sắp được đưa ra như một phần của chiến dịch tranh cử.

Trước tiên là thông báo về việc phát triển vũ khí tự hành và vật liệu nổ. Vào tháng 7/2020, Australia tuyên bố trong bản cập nhật chiến lược về việc xem xét tính khả thi của các chương trình sản xuất vũ khí tại nước này nhằm ngăn chặn rủi ro đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tháng 3/2021, Canberra cho biết sẽ thiết lập năng lực công nghiệp quốc phòng, đồng thời xác định đối tác chiến lược trong lĩnh vực này. Ngày 5/4 vừa qua, chính phủ Australia đã xác định tập đoàn Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ là hai đối tác chiến lược.

Quyết định trên không phải điều bất ngờ do đây là hai công ty đang có kế hoạch sản xuất khoảng 90% vũ khí dẫn đường cho Lực lượng phòng vệ Australia (ADF).

Thông báo này cũng nêu tên các thực thể tham dự chương trình phát triển tên lửa, đó là tập đoàn tên lửa Australia (AMC) và Liên minh tên lửa quốc gia (SMA).

Tuy nhiên, các thông báo được đưa ra không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về những loại vũ khí sẽ chế tạo, vai trò của ngành công nghiệp Australia, vị trí cơ sở sản xuất và thời điểm các loại vũ khí được đưa vào sử dụng.

Đồng thời, trong một thông cáo riêng rẽ, chính phủ Australia đã công bố việc mua lại "gấp" tên lửa không đối đất tầm bắn mở rộng JASSM-ER, NSM (tên lửa hải quân) và mìn hải quân với tổng trị giá 3,5 tỷ AUD (gần 2,6 tỷ USD).

Những nội dung này đều nằm trong chương trình của Bộ Quốc phòng Australia. Trong kế hoạch cơ cấu lại lực lượng, nước này dành khoảng 3,4-5,2 tỷ AUD cho trang bị vũ khí tấn công trên không và 16,1-24,2 tỷ AUD cho vũ khí tự hành dưới biển, trong đó có các tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM).

Không rõ Australia sẽ thúc đẩy kế hoạch trên như thế nào vì cả chính phủ lẫn Bộ Quốc phòng đều không công bố kế hoạch ban đầu, song đây vẫn là một trong những bước phát triển đáng ghi nhận.
 

Công nghệ siêu thanh

Tên lửa JASSM-ER, có tầm bắn 900 km, sẽ được tích hợp trên máy bay F/A-18F Super Hornet vào năm 2024 và F-35A, thay thế cho máy bay F/A-18A/B Classic Hornet đã được đưa ra khỏi danh sách sử dụng vào năm 2021.

F/A-18F Super Hornet là máy bay duy nhất trong biên chế của ADF có thể phóng vũ khí tấn công tầm xa - phiên bản cũ của JASSM, có tầm bắn 370 km.

Việc tích hợp NSM lên F-35A luôn là một phần của chương trình cải tiến năng lực vì đây là tên lửa chống hạm tầm xa duy nhất phù hợp với F-35A.

NSM là một cải tiến lớn so với tên lửa Harpoon hiện thuộc biên chế hải quân Australia, đặc biệt là về tầm bắn và khả năng tàng hình nhưng không có phạm vi tương đương với LRASM.

Ngày 6/4, lãnh đạo các nước tham gia thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) thông báo rằng AUKUS sẽ bảo trợ thêm 4 lĩnh vực, trong đó có cả công nghệ siêu thanh.

Tập đoàn Khoa học và công nghệ quốc phòng Australia đã thử nghiệm các công nghệ siêu thanh trong hơn một thập niên, bao gồm cả việc phóng thử tên lửa siêu thanh vào năm 2012. Kế hoạch cơ cấu lực lượng dành khoản kinh phí từ 6,2-9,3 tỷ USD cho “năng lực tấn công tầm xa tốc độ cao, trong đó có nghiên cứu siêu thanh”.

Tháng 12/2020, chính phủ Australia đã công bố chương trình SCIFiRE, một thỏa thuận hợp tác với Mỹ nhằm "phát triển và thử nghiệm các nguyên mẫu tên lửa hành trình siêu thanh".

Với việc Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu thanh và thực tế Nga cũng đang sử dụng chúng ở Ukraine, thông tin về phát triển vũ khí siêu thanh của Australia là một tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi nào tất cả nghiên cứu này sẽ thực sự tăng cường năng lực quân sự của Australia?

ADF đang thiếu nhiều vũ khí tấn công, vì vậy, Australia sẽ cần các vũ khí này trong thời gian sớm nhất.

Tầm hoạt động của các máy bay tiêm kích Australia là khoảng 1.000 km, nên việc tăng tầm hoạt động thêm 900 km nhờ tên lửa JASSM-ER sẽ tạo ra sự thay đổi lớn, đặc biệt là với các nhiệm vụ ở Nam Thái Bình Dương.

Tất nhiên, các tên lửa tầm xa đó khó có thể được sử dụng nếu không có hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát, chẳng hạn như hệ thống SkyGuardian, vốn bất ngờ bị hủy hồi tuần trước.

Nguồn: Báo Quốc tế

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889