Loading...

Nâng tầm giá trị di tích đền Cửa Ông trong dòng chảy hiện đại

Đền Cửa Ông thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, con thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia thất và các dũng tướng tài ba thời nhà Trần như yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Đỗ Khắc Trung, Phạm Ngũ Lão, Lê Phụ Trần... Trần Quốc Tảng có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, bảo vệ tuyến biên giới, giữ yên bờ cõi và lãnh hải Đông Bắc của Tổ quốc cách đây hơn 600 năm.
Đền Cửa Ông trở thành vùng đất linh thiêng từ khi chỉ là một thảo am dưới gốc cây cổ thụ bên bờ cửa Suốt. Đây là một trong những ngôi đền có vị trí thiên thời địa lợi, sơn thủy hữu tình với tầm nhìn hướng ra Vịnh Bái Tử Long trong xanh, mát mắt, là nơi “gặp gỡ” của núi non, rừng già và biển cả và có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Đền có 3 khu: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng tạo thành quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ.
Đền Cửa Ông không chỉ mang lại giá trị lịch sử to lớn, mà còn có giá trị về nghệ thuật, văn hoá dân tộc đặc sắc. Nơi đây có một lối kiến trúc độc đáo, huyền bí và hội tụ đủ các linh vật phong thủy: Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước và hậu huyền vũ. Các loại vật liệu được sử dụng để xây dựng đền là đá đúc, gạch Bát Tràng, ngói mũi đất nung , vữa hồ pha mật. Kiến trúc trang trí chủ yếu theo các điển tích về tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Phần bên trong đền được sử dụng bằng các loại gỗ bền, chắc, đẹp như: đinh, lim, trắc, gụ… Tại đây có 34 pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao được các nghệ nhân chạm trổ công phu, tỉ mỉ, sắc nét. Khung ngôi đền được dựng theo lối: kèo, cầu, dường, trụ… trên đó được khắc hoạ bằng các bức phù điêu, bức trướng, câu đối và các hoa văn được sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Phía trước cửa ngôi Đền là vịnh Bái Tử Long với các đảo nhỏ muôn hình, muôn vẻ nổi bật trên nền nước biển xanh biếc.

Đền Cửa Ông hiện nay qua cải tạo đồi cây, trồng mới nhiều loại hoa góp phần tạo cảnh quan ngày càng đẹp hơn, môi trường sạch sẽ, thân thiện. Du khách cảm nhận rõ “4 không”: không có ăn xin, ăn mày, trộm cắp, móc túi; hàng quán không tăng giá, chèo kéo khách; không có rác thải tồn đọng và không có các hoạt động mê tín dị đoan.

Lễ hội đền Cửa Ông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương và là điểm đến thu hút khách thập phương trở về với vùng đất linh thiêng. Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông Cặp Tiên xác định việc quản lý gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc biệt của khu di tích là trách nhiệm, niềm vinh dự và tự hào. Những năm gần đây, Ban quản lý di tích đã và đang từng bước ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá di tích, góp phần cùng Chính Phủ thực hiện mục tiêu đến năm 2025 mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số để người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số.
Ông Phạm Thành Trung, Trưởng ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên cho biết: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong đó có lĩnh vực di sản văn hóa. Ban đang tăng cường thúc đẩy quảng bá, giới thiệu Di tích đền Cửa Ông trên các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng các phần mềm QR code giúp thuận tiện và minh bạch cho khách thập phương thực hiện công đức. Đồng thời, an ninh cũng được đảm bảo nhờ hệ thống camera giám sát... Thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch và đầu tư, quan tâm hơn nữa vấn đề chuyển đổi số tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để đền Cửa Ông trở thành điểm đến du lịch tâm linh văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp của tỉnh Quảng Ninh và cả nước./.
PV
Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp & Thương mại

https://www.doanhnghiepvathuongmai.vn/bai-viet/nang-tam-gia-tri-di-tich-den-cua-ong-trong-dong-chay-hien-dai.phtml

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889