Loading...

Nên xử lý rác ở điểm phong tỏa như rác y tế

Số lượng rác thải từ các điểm phong tỏa ở TP HCM nhiều nhưng việc xử lý mỗi nơi áp dụng một kiểu: Có nơi giao lực lượng công ích quận - huyện thu gom, có nơi giao dịch vụ rác dân lập

Người thu gom rác dân lập tiến hành lấy rác tại khu vực phong tỏa ở chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP HCM
 
Hiện nay, toàn bộ rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung đều do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (Citenco) thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt đối với chất thải nguy hại. Riêng những điểm phát sinh ngoài khu cách ly, như các điểm phong tỏa theo quyết định của địa phương, địa phương sẽ phân công công ty dịch vụ công ích hoặc các HTX môi trường thu gom rác.
Đại diện Citenco cho biết nhà máy xử lý loại rác thải này đang hoạt động hết công suất với gần 40 tấn/ngày. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, rác thải loại này nhiều khả năng sẽ vượt công suất xử lý của công ty.
Theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, nên xem loại rác tại các khu vực phong tỏa là rác thải y tế và cần xử lý theo quy định. Các quận - huyện nên sử dụng lực lượng tại chỗ như công ty dịch vụ công ích, Đoàn Thanh niên địa phương, lực lượng tình nguyện viên tại khu phong tỏa, khu cách ly, dân phòng... đóng gói rác vào bao vật phẩm y tế, phun khử khuẩn, tập kết tại một điểm để Citenco vận chuyển về công trường Đông Thạnh xử lý tiêu hủy. Trường hợp lò đốt quá tải, nên lưu bảo quản theo quy định, như lót tấm đáy HPDE 3-7 mm phủ kín toàn bộ bao vật phẩm y tế,  phun xịt hóa chất khử mùi và chờ xử lý tiếp.
Ngoài ra, công suất xử lý rác hiện tại toàn TP HCM khoảng hơn 40 tấn/ngày. Trường hợp cần thiết, TP nên tạo cơ chế để lắp đặt thêm công suất lò thiêu rác trong thời gian sớm nhất cho công ty nhà nước là Citenco.
Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng rác thải y tế mang mầm bệnh đã được Citenco xử lý theo quy trình nghiêm ngặt. Với tình hình hiện nay, khả năng quá tải rác y tế tại các khu cách ly tập trung (F1) là rất lớn. TP nên tính đến chuyện xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung với quy trình mới là chôn lấp an toàn - rác được phun khử khuẩn nhiều lần, đựng trong túi ni-lông, hố chôn lấp rải vôi khử khuẩn...
Riêng đối với rác tại các điểm phong tỏa do địa phương quản lý, TP HCM cũng cần hướng dẫn người dân phân thành 2 loại: Rác có nguy cơ lây nhiễm (khẩu trang, khăn lau mặt...) cột chặt trong túi ni-lông, khử khuẩn và rác sinh hoạt bình thường (rau, củ, quả, vỏ trứng...). Mỗi loại rác cột túi riêng mang ra điểm tập kết, cho vào những thùng rác có dán nhãn phân biệt do địa phương bố trí. Với rác có nguy cơ lây nhiễm thì xử lý chôn lấp an toàn, còn lại xử lý như rác sinh hoạt. 
Theo PV. Báo Lao động
 

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889