Loading...

Người dân Đức đang đổ xô đi mua củi và than tích trữ

Người dân Đức đang đổ xô đi mua củi và than tích trữ do lo ngại những gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga khiến giá nhiên liệu sưởi ấm leo thang trong bối cảnh Đức và các nước châu Âu đã khước từ thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble...

Đây chỉ là một trong những diễn biến cho thấy không chỉ Nga mà cả châu Âu cũng như Mỹ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ chính các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Moscow. 

Việc Đức mới đây đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp nguồn cung khí đốt là dấu hiệu cho thấy nước này đang lo ngại về nguy cơ gián đoạn hoặc dừng nguồn cung khí đốt từ Nga. Các khách hàng và công ty tại Đức cũng được khuyến cáo giảm sản lượng tiêu thụ năng lượng ngay cả khi nguồn cung ổn định.

Mới đây, theo Báo The Guardian, việc Đức ngay lập tức tẩy chay nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga có thể làm tổn thương chính người dân nước này nhiều hơn là Tổng thống Nga Vladimir Putin, kéo theo tình trạng thất nghiệp hàng loạt và đói nghèo. Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Robert Habeck cho biết, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng, thậm chí bị ngừng hẳn ở Đức nếu ngay lập tức ngừng mua nhiên liệu từ Nga. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tích cực nghiên cứu để tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng về trung hạn. 

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Robert Habeck bày tỏ lo ngại về những tác động xấu nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn. Ảnh: AP

Những động thái này xuất hiện trong bối cảnh Nga đã yêu cầu các nước “không thân thiện” với Moscow, tức là tham gia trừng phạt kinh tế đối với nước này, khi mua khí đốt của Nga phải trả bằng đồng ruble thay vì đồng dollar Mỹ hay euro như trước đây. Hành động này được cho là nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga liên quan tới vấn đề Ukraine. Đây cũng là biện pháp để Nga bảo vệ giá trị của đồng nội tệ trước áp lực của các lệnh trừng phạt. 

Trên thực tế, kể từ khi Mỹ và một số nước châu Âu ráo riết cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu hồi tháng 2 vừa qua, chính những nước này đang cảm thấy một số tác dụng ngược không trông đợi đối với mình. Theo các lệnh trừng phạt, các tập đoàn vận chuyển quốc tế lớn phải dừng gần như tất cả việc vận chuyển hàng từ Nga ra bên ngoài và tới Nga.

Việc này đã làm giảm một nửa nguồn cung từ Nga tới thị trường toàn cầu đối với những mặt hàng quan trọng như phân bón và lúa mì, kéo theo mối đe dọa khủng hoảng lương thực. Ngoài ra, lệnh cấm năng lượng Nga từ Mỹ và cam kết của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cắt giảm nguồn cung hydrocarbon từ Nga đang đẩy giá dầu mỏ và khí đốt tăng mạnh. Ở Mỹ, lạm phát được ghi nhận ở mức chưa từng có kể từ năm 1980 và sự thiếu hụt chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến chính túi tiền của người dân Mỹ. 

Những tác động trên cho thấy không thể phủ nhận vị thế của Nga là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch và các kim loại cơ bản hàng đầu thế giới, vốn không thể thay thế được trong sản lượng công nghiệp toàn cầu. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải thừa nhận nguy cơ thiếu lương thực có thể sẽ thành sự thật và cái giá của những lệnh trừng phạt không chỉ áp lên Nga và còn áp lên nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ và châu Âu. 

Và thực tế là bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga vẫn tiếp tục được thực hiện ở châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ-những thị trường cực kỳ quan trọng đối với Nga. Chưa kể đối với EU, sự phụ thuộc vào khí đốt Nga để sản xuất điện và sưởi ấm đã khiến các nước này gặp khó khăn đáng kể trong việc chuyển hướng nguồn cung trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cấm nhập khẩu dầu khí Nga.

Đặc biệt, việc đồng ruble Nga mới đây có dấu hiệu tăng trở lại được giới phân tính cho rằng chứng tỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Moscow đã không phát huy tác dụng như mong muốn là “nhấn chìm” nền kinh tế Nga. Đó một phần là nhờ Moscow đã áp dụng các biện pháp tài chính mạnh mẽ để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu như nâng lãi suất lên 20%, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải chuyển đổi 80% ngoại tệ sang đồng ruble hay áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế người dân Nga đổi đồng ruble sang đồng dollar Mỹ hoặc euro. Và mới đây nhất, Tổng thống Vladimir Putin ra sắc lệnh buộc một số nước phải mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble.

Trước diễn biến đồng ruble của Nga bất ngờ tăng giá, Nhà Trắng và các nhà kinh tế học cho rằng các lệnh trừng phạt cần thời gian, có thể mất hàng tuần hoặc hàng tháng để phát huy hết hiệu quả khi các ngành công nghiệp phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu, thiếu vốn hoặc cả hai. Những ý kiến chỉ trích cho rằng, sự hồi phục của đồng ruble cho thấy Nhà Trắng cần hành động nhiều hơn nữa. 

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh các lệnh trừng phạt hiếm khi mang lại những kết quả như mong muốn và khó có thể là một giải pháp cho các cuộc xung đột hay mâu thuẫn trong các mối quan hệ quốc tế. Đơn cử việc các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga năm 2014 đã thất bại trong nỗ lực đảo ngược thực tế Crimea sáp nhập vào Nga.

Cũng tương tự, chiến lược gây sức ép toàn diện và tối đa của Mỹ với Iran, hoặc lệnh cấm vận dầu mỏ với Venezuela, cũng không giúp Washington đạt được các mục tiêu đề ra. Và những diễn biến liên quan tới các lệnh cấm vận của Mỹ cùng châu Âu và sự đáp trả của Nga càng chứng minh trừng phạt có thể trở thành “con dao hai lưỡi” nhiều rủi ro. 

Nguồn: QĐND

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn

 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889