Loading...

Những chuyến xe cấp cứu chạy đua với tử thần

Có những tài xế lái xe đường dài tình nguyện ở lại TPHCM giữa lúc dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhất. Họ lái những chiếc xe cấp cứu “đặc biệt”. Ðó là những chiếc xe 16 chỗ được cải tiến để hỗ trợ chở bệnh nhân mắc COVID-19.

Anh Nguyễn Văn Dùng, tình nguyện lái xe cấp cứu dã chiến

Không có khái niệm thời gian

“Đời tôi đã có mấy chục năm gắn bó với nghề cầm vô lăng. Mỗi một hành trình đều biết trước điểm đầu và điểm kết thúc. Nhưng đây là lần đầu tiên, những chuyến đi đều không biết trước lịch trình cụ thể song lại luôn trong tâm thế sẵn sàng bất cứ khi nào. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận lệnh của đội ngũ chống dịch”. Đó là lời tâm sự của anh Đoàn Ngọc Phát, 58 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, tài xế thuộc Tập đoàn PT đang tình nguyện trực chiến tại nhiều bệnh viện điều trị COVID-19 tại TPHCM.

Công việc chính của anh Phát là chuyên chở các bệnh nhân F0 từ khu vực cách ly đến bệnh viện dã chiến. Nhưng lịch trình và thời gian chở không cố định nên không kể ngày đêm… phải luôn ở tư thế sẵn sàng “chiến đấu”. “Lần đầu tiên chứng kiến cảnh mất mát, tôi trào nước mắt như trẻ con”, anh Phát nói.
 

Hình ảnh mỗi ngày anh Phát chứng kiến là sau mỗi một ca trực, bác sĩ ra hành lang ngồi bệt trên thềm để thở dốc. Cũng có khi chính bác sĩ phải dìu bác sĩ khác vì quá đuối sức. Ở nơi đây, ánh đèn chớp đỏ của những chiếc xe cứu thương ngày đêm lập lòe nhưng không có 1 lời than vãn. Mọi người đều đồng lòng, trị bệnh và quyết tâm giành giật sự sống cho bệnh nhân với tâm niệm: Chúng ta phải chiến thắng dịch.

Anh Phát cho biết, đội lái xe thay nhau làm 24/24h nhưng thời gian ngủ không bao giờ đủ và bữa ăn thường không đúng giờ. Có khi vừa đặt mình xuống tranh thủ chợp mắt lại có điện thoại lên đường. Việc của anh là lái xe an toàn, nhưng khi dừng xe cũng là phụ tá. “Một lần tôi nhận lệnh chở bệnh nhân F0 đến bệnh viện dã chiến. Bệnh nhân rất yếu, bác sỹ thấm mệt, tôi không thể khoanh tay đứng nhìn. F0 hay F1 hay những bệnh nhân đã khỏi bệnh khi cần tôi giúp luôn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình đang thực hiện công việc phục vụ ngành y tế, việc giúp đỡ bệnh nhân cũng là việc của mình, chứ không chỉ biết lái xe”, anh Phát nói.

Anh Phát nhớ lại, cách đây vài ngày, khi vừa trở về nơi ở, chưa kịp nghỉ ngơi sau 2 chuyến xe chở bệnh nhân F0 kéo dài gần 7 tiếng, anh lại nhận điện thoại đi chở gấp một bệnh nhân cấp cứu đến bệnh viện. Không kịp uống nước, anh lái xe đến đã thấy y tá và bệnh nhân đợi sẵn. Lần này, bệnh nhân là một phụ nữ tầm gần 70 tuổi. Bệnh nhân ho liên tục, hơi thở yếu và nôn ói.

“Lúc đó, ruột gan tôi nóng ran. Thực sự tôi không sợ nhiễm bệnh COVID-19, chỉ sợ chở bệnh nhân không kịp tới bệnh viện cấp cứu. Cảm giác lo lắng đó khó diễn tả lắm. Dù bệnh nhân đó không phải người thân của mình”, anh Phát nói.

Gần 2 tháng trôi qua, anh Phát và các đồng nghiệp không ghé về thăm gia đình, vợ con mà ăn ngủ ngay tại nơi được Cty bố trí riêng. Anh Phát bảo không về một phần là để bảo đảm an toàn cho các thành viên khác trong gia đình. Nhưng phần nhiều vì công việc của các tài xế không có khái niệm về thời gian. Sau khi chở bệnh nhân, chở bác sỹ thì phải đi cọ rửa, xịt khuẩn xe và chuẩn bị lệnh.


Bên trong chiếc xe cấp cứu dã chiến
 

Mong chờ ngày chiến thắng đại dịch

Anh Nguyễn Văn Dùng (Đồng Tháp) tình nguyện lái xe cấp cứu dã chiến chở bệnh nhân đi cấp cứu khi thành phố quá tải. “Cứ nghe điện thoại là đi liền. Nhiều khi mới chạy xong chuyến này châm điếu thuốc chưa kịp hút, điện thoại reo cái dập ngay điếu thuốc, cất lại vào bao”, anh Dùng nói.

Ngày cao điểm anh chở vài chục ca là chuyện bình thường. Có khi không có thời gian để ăn . Hộp cơm để từ sáng đến chiều vẫn còn nguyên. “Chạy mấy chuyến xe cấp cứu dã chiến này vừa áp lực vừa sợ. Lúc đầu là do chưa quen, rồi sợ mình sơ sót gì đó, nhất là lúc chở bệnh nhân COVID-19 nặng, sợ mình không kịp đưa người ta vào bệnh viện, có lỗi lắm. Sợ nhiều thứ mà phải ráng vì xã hội đang cần mình”, anh Dùng tâm sự.

Những ngày đầu tháng 8 khi trung tâm cấp cứu các nơi đều quá tải, những chiếc xe khách 16 chỗ được cải tiến thêm vách ngăn sau khoang tài xế, thêm bình ô xy, băng ca chở người bệnh, anh Dùng cảm nhận rõ trách nhiệm nặng nề đằng sau vô lăng của mình. “Lúc nào cũng tự nhủ phải tập trung cao độ trên chiếc “xe cấp cứu dã chiến” này, vừa phải nhanh chóng, vừa phải an toàn”, anh Dùng nói.

Từ hồi nhận nhiệm vụ mới đến giờ, chở bao nhiêu bệnh nhân anh Dùng cũng không nhớ hết. “Giờ chỉ mong có sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chờ ngày chiến thắng đại dịch là về thăm nhà ngay”, anh nói thêm.

Nguồn: https://tienphong.vn/nhung-chuyen-xe-cap-cuu-chay-dua-voi-tu-than-post1368538.tpo

 

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889