Loading...

Những điều cần biết để đi lại thuận tiện với đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ngày 6/11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP Hà Nội tổ chức bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để đưa vào khai thác, vận hành chở khách. Vậy là sau hơn chục năm mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng người dân Hà Nội cũng đã có được tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.

6 phút sẽ có 1 chuyến tàu

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này sẽ được khai thác chính thức. Tuyến đường sắt này có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sau nhiều năm chờ đợi.

 

Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, 5 ngày trước khi bàn giao chính thức sẽ vận hành 4 đoàn tàu giãn cách 15 phút để duy trì sự ổn định và tính năng kỹ thuật hệ thống thiết bị, đoàn tàu, cũng như khả năng thuần thục của nhân sự vận hành, bảo trì.

Trong 15 ngày chạy miễn phí, 7 ngày đầu vận hành 4 đoàn, giãn cách 15 phút, 8 ngày tiếp theo vận hành 6 đoàn tàu, giãn cách 10 phút. Sau đó, trong 6 tháng đầu khai thác, dự kiến vận hành 6-9 đoàn tàu, tương ứng thời gian giãn cách 6 phút, 10 phút/chuyến. Khi vận hành 6 đoàn, sau 10 phút lại có tàu dừng tại ga, còn vận hành 9 đoàn tàu, chỉ sau 6 phút sẽ có tàu dừng tại ga đón, trả khách.

Dự kiến giá vé tàu Cát Linh được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất. Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày).

Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.

Theo hướng dẫn của nhân viên tại ga, để mua vé tại quầy bán vé tự động, khách hàng dùng tiền mặt (lớn hơn) đưa vào khe nhận tiền, chọn ga đến. Các nút bấm trên máy dạng cảm ứng tay. Sau khi nhận tiền, máy sẽ nhả vé (thẻ nhựa) và tiền thừa (nếu có). Theo thiết kế, hệ thống máy bán vé chưa có chế độ cài đặt tích hợp mua bằng thẻ thanh toán (ngân hàng) nên ban đầu chỉ vận hành bán theo hình thức nhận tiền mặt.

Tại các quầy bán vé tự động có nhân viên nhà ga trực hỗ trợ khách hàng mua vé. Trường hợp khách không mua tại máy bán vé tự động có thể mua trực tiếp tại quầy bán vé tại sảnh. Để lên tàu, khách dùng vé đi qua cổng soát vé tự động (bằng cách quẹt thẻ) để lên ke ga đợi tàu. Tại ga xuống, hành khách cũng phải dùng thẻ quẹt (đưa vào khe cổng soát vé) tại sảnh ga tầng 2 (nơi bán vé, kiểm soát vé) để đi qua cổng soát vé chiều ra.

Công suất tương đương 12 tuyến xe buýt lớn

Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho hay, đơn vị đã chuẩn bị đủ các điều kiện nhân sự để khai thác, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ngoài số lượng nhân sự được tuyển dụng theo quy mô ban đầu của dự án là 681, hơn 80 nhân sự cũng được tuyển dụng bổ sung, hoàn thành đào tạo, sát hạch để làm nhiệm vụ.


Những hành khách đầu tiên trải nghiệm dịch vụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Thắng.

 

Trong năm đầu tiên khai thác chính thức, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được chuyên gia của Công ty Đường sắt đô thị Trung Quốc tham gia tư vấn, hỗ trợ quản lý, khai thác vận hành. Theo ông Trường, trong giai đoạn đầu khai thác, công suất vận hành của tuyến đường sắt tương đương 12 tuyến xe buýt lớn, nếu tăng vận tốc di chuyển đạt tương đương 24 tuyến buýt.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) cho biết thêm, hiện dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 52 tuyến buýt (bằng gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng buýt Hà Nội) công cộng kết nối. Trong đó, riêng khu vực ga cuối tuyến đường sắt (ga Yên Nghĩa), xe buýt đang vận chuyển được 14.072 hành khách/giờ; còn tại ga đầu tuyến (ga Cát Linh), xe buýt đang vận chuyển được 6.180 lượt hành khách/giờ.

Gần đây, một số tuyến buýt dọc đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng được điều chỉnh để tăng hiệu quả kết nối, đồng thời có 52 tuyến buýt hoạt động, với 48 tuyến trợ giá và 4 tuyến không trợ giá. Đối với khu vực hai ga đầu, cuối tuyến đường sắt (ga Cát Linh và Yên Nghĩa) có năng lực vận chuyển buýt lớn, đủ đáp ứng giải tỏa khách đi bằng tàu điện.

Các tuyến buýt kết nối với ga Yên Nghĩa bao gồm cả các tuyến buýt kết nối ra khu vực ngoại thành (Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Túc, Vân Đình, Thanh Oai, Xuân Mai, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất…) và các tuyến buýt kết nối với khu vực nội thành đi vào trung tâm thành phố. Tại ga Yên Nghĩa có bố trí cầu vượt đi bộ kết nối trực tiếp với các tuyến buýt có điểm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa.

Còn tại ga Cát Linh, có 8 tuyến buýt kết nối (số 18, 23, 50, 90, BRT01, 25, 99, 38), các tuyến buýt kết nối với ga Cát Linh hiện nay hầu hết là các tuyến buýt thông qua, chỉ có tuyến buýt số 90 (Hào Nam - Nội Bài) có điểm đầu cuối tại ga Cát Linh. Tuyến có tần suất cao nhất là 3 - 5 phút/ lượt là tuyến BRT, còn lại các tuyến dao động từ 12 - 15 - 20 phút/ lượt....

Phạm Huyền - Nguồn: CAND

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn
Quảng cáo:  Công ty dịch vụ bảo vệ INVICO hiện đang cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại các tỉnh thành trong cả nước với 14 năm kinh nghiệm chắc chắn sẽ làm hài lòng các doanh nghiệp. Để biết thêm chi tiết mời vào website: Baoveinvico.com. ĐT 0912 109 338

 

 


Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889