Loading...

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vẫn bị biến tướng

Theo Cục Di sản Văn hóa, việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vẫn bị biến tướng, lợi dụng để trục lợi…

Ngày 7/12, Cục Di sản Văn hóa tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (giai đoạn 2017 - 2022).

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức đánh giá hiệu quả để xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai thời gian tới – nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO (giai đoạn 2023-2028).

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Sau đó, tại lễ đón bằng ghi danh, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
 

“Sau 5 năm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã nâng cao giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng và nhận được sự quan tâm của xã hội. Sự ghi nhận của xã hội được thể hiện ở việc nhà nước tôn vinh sự đóng góp của nghệ nhân đối với di sản văn hóa nước nhà bằng hình thức phong tặng danh hiệu.

Đến nay, qua 3 đợt xét tặng, đã có 6 nghệ nhân nhân dân, 79 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết.

Tuy vậy việc thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch bản chất.

Đặc biệt có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng…

Có những tổ chức, cá nhân lợi dụng danh hiệu của di sản để tổ chức các liên hoan, hội nghị, hội thảo, trình diễn di sản và kêu gọi sự đóng góp không dựa trên sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể di sản cho các sự kiện này, cũng như việc trao tặng các giấy khen, giấy chứng nhận một cách tùy tiện.

Vì vậy, ông Cương đề nghị các nghệ nhân, các địa phương có di sản, các nhà nghiên cứu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và quản lý di sản.


Cục Di sản Văn hoá yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi - ảnh minh hoạ IT.

 

Báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2017 - 2022 của Cục Di sản Văn hóa cho biết, trong những năm qua, các địa phương có di sản đã nhanh chóng xây dựng, triển khai các nhiệm vụ đề án, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về di sản này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một số vấn đề bộc lộ rõ như nhận thức của công chúng, cộng đồng và một bộ phận cán bộ về di sản phi vật thể còn hạn chế. Hành lang pháp lý nhằm hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động thực hành di sản còn thiếu và chưa cụ thể.

Đáng chú ý là vấn đề thực hành không đúng nguyên tắc (trang phục, bài bản và các yếu tố khác có liên quan); thực hành không đúng không gian; danh hiệu; các hoạt động giao lưu trình diễn tín ngưỡng ồ ạt, tùy tiện.

“Các hoạt động tiêu cực, không đúng nguyên tắc thực hành của di sản dẫn tới những nguy cơ như làm giảm tính thiêng, trần tục hóa tín ngưỡng, lãng phí tiền và một số tiêu cực xã hội khác, gây ra xung đột giữa các bản hội và cá nhân người thực hành di sản...”, báo cáo của Cục Di sản Văn hóa khẳng định.

Vì vậy, Cục Di sản Văn hóa nêu các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn hoạt động quản lý, thực hành di sản, tăng cường chỉ đạo - kiểm tra - giám sát, ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng…

Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản để có những định hướng phát huy đúng đắn các giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch lạc, thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp truyền dạy, thực hành di sản. Vinh danh, khen thưởng, động viên và khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá để các thầy đồng hiểu được giá trị đúng đắn của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Qua đó, trong quá trình hành nghề trung gian nối giữa Mẫu và những tín đồ của Mẫu, họ giữ được cái tâm trong sáng, giảm bớt việc đốt vàng mã, không "phán truyền" cho các con nhang đệ tử, lợi dụng việc thực hành di sản để kiếm tiền; không tự ý thay đổi, thêm bớt các yếu tố như trang phục, đồ lễ, diễn xướng... góp phần gìn giữ giá trị đích thực của di sản.

Cục Di sản văn hóa cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng, công chúng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
https://giaoducthoidai.vn/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-van-bi-bien-tuong-post618013.html

 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889