Loading...

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhận nhiều đơn thư bức xúc về liên thông của trường nghề

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết đã nhận được rất nhiều đơn thư, bức xúc của phụ huynh, học viên khối giáo dục nghề nghiệp về vấn đề liên thông của con em họ.

Khi lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư “Quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế chương trình học văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 7 môn học, nếu người học có nhu cầu.

Bởi lẽ, nếu chỉ học 4 môn như trong Dự thảo thì học sinh không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hiện nay thi 6 môn), trong khi đơn vị tuyển dụng vẫn đòi hỏi ứng viên tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa kể, việc tốt nghiệp trung học phổ thông còn là điều kiện để học sinh có thể học liên thông lên đại học.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, mong muốn có được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh tham gia học nghề là rất chính đáng tuy nhiên hiện nay Luật đang quy định một đằng, thực tiễn nảy sinh một kiểu.

“Chính sách mâu thuẫn, vấn đề này, tôi cho rằng Chính phủ cần mời chuyên gia, nhà khoa học cùng họp để xem xét, đánh giá lại những bất cập giữa quy định trong Luật và thực tiễn để xử lý chứ không có Bộ nào có đủ thẩm quyền để giải quyết việc này. Nếu Chính phủ không giải quyết thì phải sửa Luật”, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nói.


Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Tùng Dương

 

Bản thân ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đã và đang nhận được rất nhiều đơn thư, bức xúc của phụ huynh, học viên khối giáo dục nghề nghiệp về vấn đề liên thông của con em họ hiện nay.

Rõ ràng, trong thực tiễn có những quy định của pháp luật đang gây khó dễ cho người học, không đảm bảo quyền được học tập theo hiến pháp của con người. Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà để kéo dài những bất cập sẽ gây căng thẳng trong xã hội.

Nói về câu chuyện, một số trường nghề “chèo kéo” người học bằng cách hứa hẹn với người học rằng sau khi tham gia học ở trường hoàn toàn có cơ hội học lên đại học nhưng hiện nay Luật Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu chỉ được liên thông trong các trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, vậy học lên đại học làm sao, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho hay:

“Muốn giải quyết vướng mắc này thì cần sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp, tôi cho rằng, khi xây dựng Luật này đã không đánh giá được hết các tác động xã hội, dẫn tới bất cập hiện nay”.
 

Cuối cùng, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Chính phủ cũng cần chỉ đạo cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động của thực tiễn trong quá trình triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xem có đủ điều kiện để triển khai dạy văn hóa 7 môn như kiến nghị không bao gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình…

Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nêu cụ thể:

“Hiện nay, trường nghề vẫn được phép liên kết để dạy 7 môn văn hóa. Tuy nhiên, với thời gian khoảng 2,5 năm vừa học nghề lại vừa học 7 môn học sẽ bị quá tải và khó hoàn thành mục tiêu cũng như bảo đảm chất lượng đào tạo.

Đó là chưa nói tới tới sự chênh lệch về chất lượng đầu vào giữa học sinh phân luồng học nghề và học sinh tiếp tục học trung học phổ thông. Các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trường nghề cũng có những đặc thù riêng khác với cơ sở giáo dục trung học phổ thông”.

Vị này thông tin thêm, tại Điều 33, khoản 4, Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014 nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

Điều đó cho thấy dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức văn hóa chứ không quy định về chương trình đào tạo. Vì vậy, chương trình giữ nguyên mà khối lượng kiến thức tăng lên thì khó có thể đảm bảo chất lượng.

Việc đào tạo song song để nhận bằng nghề và bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ có ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đào tạo và chất lượng đầu ra của học sinh.

Còn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, mục tiêu đào tạo của trường nghề và trường trung học phổ thông là khác nhau, trong đó trường trung học phổ thông đào tạo văn hóa và để nâng cao trình độ văn hóa là chính, còn trường nghề là đào tạo nghề không hoàn toàn nhằm mục đích nâng trình độ học vấn.

“Hai mục tiêu đó khác nhau nên cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên khác nhau. Vì vậy không ai người ta giao cho trường phổ thông lại đào tạo nghề cả. Đối với trường nghề, thì phải có một vài môn văn hóa đó phục vụ cho mục đích học nghề, đào tạo lao động, chứ không phải nâng trình độ học vấn.

Vậy nên mới có chuyện là người muốn học hệ trung cấp nghề và muốn học lên cao đẳng, đại học thì phải bổ sung chương trình mà Bộ quy định là 7 môn học trong chương trình giáo dục phổ thông”, Tiến sỹ Khuyến nói.

Theo Tiến sỹ Khuyến, 7 môn học này là phục vụ cho trình độ học vấn thì phải là các cơ sở giáo dục thường xuyên, hoặc các trường phổ thông thì mới làm được việc đó.

Nguồn: Thuỳ Linh - Giáo dục Việt Nam

 

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889