Loading...

Tin thế giới: Nga bị tin tặc tấn công; AUKUS ‘xoa dịu’ đồng minh; Trung Quốc xin gia nhập hiệp định CPTPP

Ngày 17/9, Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông đại chúng của Nga cho biết hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của nước này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) từ các địa chỉ IP được đăng ký ở Mỹ, Đức và Ukraine.

Các cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu tổng tuyển cử cả trực tiếp và trực tuyến bắt đầu ở Nga.

Bộ trên cho biết các cuộc tấn công nhắm vào hệ thống xác thực, nhưng chưa ảnh hưởng đến hoạt động của nó. (Sputnik)

 

Nga thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa mới

Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/9 cho biết lực lượng không gian vũ trụ của nước này đã thử thành công một hệ thống đánh chặn tên lửa mới.

Theo thông báo, tại bãi thử Sary-Shagan của lực lượng tên lửa chiến lược ở Kazakhstan, một nhóm chiến đấu thuộc đơn vị phòng không và phòng thủ tên lửa của lực lượng không gian vũ trụ Nga đã thực hiện một vụ thử nói trên.

Theo Thiếu tướng Sergey Grabchuk, chỉ huy một đơn vị phòng thủ tên lửa thuộc lực lượng không gian vũ trụ Nga, loạt cuộc thử nghiệm đã xác nhận các thông số được dự kiến của hệ thống đánh chặn tên lửa mới.

Ông cho biết thêm, nhóm chiến đấu nêu trên đã hoàn thành nhiệm vụ với việc tên lửa bắn trúng mục tiêu đã định với độ chính xác cao. (Sputnik)
 

Australia khẳng định đã ‘đánh tiếng’ với Pháp về việc rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm

Ngày 17/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, ông đã đề cập khả năng Australia rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm ký kết năm 2016 với tập đoàn Naval Group của Pháp trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 6.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh 5aa, ông Morrison thừa nhận sự tổn hại đối với các mối quan hệ Australia-Pháp, song khẳng định ông từng nói với Tổng thống Macron rằng Australia đã cân nhắc lại thỏa thuận đó và có thể phải đưa ra một quyết định khác.

Ông nói: "Chúng tôi đã có một bữa tối dài tại Paris, bàn về những vấn đề hết sức quan ngại liên quan tới khả năng của các tàu ngầm truyền thống trong việc đối phó với môi trường chiến lược mới mà chúng ta đang đối mặt.

Tôi đã làm rõ rằng đó là một vấn đề mà Australia sẽ cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia của chúng tôi". (Reuters)
 

Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 16/9 cho hay, Bộ trưởng Vương Văn Đào đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor và hai bên đã có cuộc điện đàm để thảo luận các thủ tục kế tiếp.

Việc gia nhập CPTPP cần phải có sự phê chuẩn của tất cả 11 quốc gia thành viên.

Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, so với hơn 10% được tạo ra từ 11 thành viên hiện nay. (Kyodo News)
 

Chủ tịch Trung Quốc nêu bật tầm quan trọng của Hiến chương LHQ

Ngày 17/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân theo các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như theo đuổi lợi ích chung thông qua tham vấn sâu rộng và cùng đóng góp vào giải quyết các vấn đề quốc tế.

Phát biểu trên được ông Tập Cận Bình đưa ra tại cuộc họp Hội đồng lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 21 tổ chức tại Tajikistan theo hình thức trực tuyến.

Theo ông, hành động từ cái gọi là "vị thế của sức mạnh" không phải là cách để xử lý các vấn đề quốc tế, trong khi các hành động bá quyền, độc đoán và bắt nạt cần được kiên quyết loại bỏ.

Ông kêu gọi tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ và các nguyên tắc tham vấn sâu rộng, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác đa phương thiết thực và phản đối các hành động viện cớ cái gọi là quy tắc để phá hoại trật tự quốc tế, gây đối đầu và chia rẽ. (THX)
 

Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc hội đàm về vấn đề biên giới

Ngày 16/9, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thông báo đã tiến hành hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị của Trung Quốc bên lề một hội nghị khu vực ở Dushanbe (Tajikistan).

Ông Jaishankar khẳng định mối quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh sẽ chỉ phát triển khi cả hai bên rút quân khỏi các điểm đối đầu ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, hai bộ trưởng đã nhất trí tổ chức thêm các cuộc đàm phán giữa giới chức quân sự và ngoại giao để giải quyết “những vấn đề tồn đọng trong việc rút quân”.

Hai bên cũng nhất trí cho rằng tình hình hiện tại kéo dài sẽ không có lợi cho cả hai bên vì có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương.

Do đó, Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hướng tới giải quyết sớm các vấn đề còn lại dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh trong khi tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận song phương. (PTI)

Nguồn: Báo Quốc tế

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889