Thủ tướng nêu rõ, người dân là trung tâm thì mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân. Người dân là chủ thể thì phải tích cực cùng hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả. Thực hiện tốt mối quan hệ cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, người dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát, kiểm tra trong phòng, chống dịch.

Những nơi chưa kiện toàn thì phải kiện toàn ngay ban chỉ đạo, sở chỉ huy phòng chống dịch, ban hành quy chế làm việc của ban chỉ đạo và sở chỉ huy.

Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về công tác và hiệu quả phòng chống dịch, thường xuyên báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề phát sinh để kịp thời tháo gỡ và thực hiện có hiệu quả các công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ phòng làm việc, ông có thể sẽ kiểm tra đột xuất hay thường xuyên các xã, phường, thị trấn bất cứ lúc nào, đồng thời có điều kiện lắng nghe trực tiếp kiến nghị, đề xuất từ cơ sở gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Qua kiểm tra, đại diện xã, phường, thị trấn đều cam kết sẽ nỗ lực cao hơn nữa, chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, bất cập theo chỉ đạo của Thủ tướng, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.

Sau khi đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại các xã, phường, thị trấn ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã cùng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo thiết lập trung tâm chỉ huy, kiểm tra trực tuyến về công tác phòng chống dịch từ phòng làm việc của Thủ tướng để kết nối tới 2.594 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn thuộc 19 tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Nguồn:  Hương Giang - Thanh tra