Loading...

Vũ khí tối tân phương Tây áp sát Nga

Sườn Tây Nga bị áp sát bởi loạt vũ khí hạng nặng sau khi Estonia quyết định mua vũ khí tối tân từ đồng minh Mỹ và Israel.

Tên lửa do Israel sản xuất.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 18/2, Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Estonia cho biết, nước này cùng với Israel quyết định đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hợp đồng tên lửa Blue Spear.

"Thương vụ Blue Spear sẽ được chuyển giao sớm hơn mốc thời gian đã ký kết trong hợp đồng với nhà sản xuất trước đó. Quyết định được đưa ra khi xuất hiện những nguy cơ mới trong khu vực", Bộ Quốc phòng Estonia cho biết.

Cơ quan này cho biết thêm rằng, Blue Spear với tầm bắn khoảng 320 km, khi cần thiết, sẽ giúp ngăn chặn việc Nga vận chuyển vũ khí, nhiên liệu và quân tiếp viện từ đất liền tới tỉnh hải ngoại Kaliningrad.

Điều đặc biệt là cùng với Blue Spear, hợp đồng pháo phản lực HIMARS của Estonia với Mỹ cũng sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2023 - sớm hơn gần 1 năm so với nội dung trong hợp đồng.

Estonia là một trong những thành viên NATO thẳng thắn nhất trong việc thúc giục một cuộc đối đầu với Nga. Hồi đầu tháng 2/2023, Tallinn thông báo đã cấm nhập cảnh đối với người Nga có thị thực Schengen của Liên minh Châu Âu.

"Lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với thị thực Schengen do Estonia cấp. Người có thị thực từ Nga sẽ bị hạn chế. Họ sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Estonia", Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nói.

 

Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga hiện tại của phương Tây là yếu, bày tỏ mong muốn EU ra đòn cấm vận mạnh mẽ hơn với việc cấm đi lại đối với tất cả người Nga ít nhất một năm.

Một số quốc gia khác như Litva, Latvia, Ba Lan và Cộng hòa Séc, cũng đã áp dụng các hạn chế về thị thực, nhưng lệnh cấm trên toàn EU sẽ phải cần sự chấp thuận của tất cả 27 thành viên của khối.

Thị thực Schengen cho phép đi lại không biên giới giữa 26 quốc gia châu Âu. EU đã đình chỉ việc đi lại bằng đường hàng không với Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Cùng với đó, những láng giềng khác của Nga ở vùng Baltic, gồm Latvia và Litva, đã tăng chi tiêu quốc phòng sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát. Litva tháng trước công bố ý định đặt mua 8 hệ thống pháo HIMARS từ Mỹ với tổng giá trị hợp đồng khoảng 495 triệu USD.

Giám đốc điều hành Lockheed Martin Jim Taiclet thông báo tập đoàn quốc phòng Mỹ dự kiến thúc đẩy dây chuyền sản xuất HIMARS từ mức 60 xe phóng hiện nay lên 96 xe phóng một năm. HIMARS thu hút sự quan tâm của các nước vùng Baltic sau khi thể hiện uy lực và hiệu quả cao trong chiến sự Ukraine.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/vu-khi-toi-tan-phuong-tay-ap-sat-nga-post626718.html
 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889