Loading...

Xót xa rừng Nghệ An bị tàn phá

Chỉ trong thời gian ngắn, tại Nghệ An liên tiếp diễn ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng. Sự việc đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Không chỉ “lâm tặc” lén lút phá rừng, mà trong một số vụ việc còn có dấu hiệu lợi dụng chặt tỉa, tận thu để triệt hạ, khai thác các cây gỗ lớn; thậm chí có sự tiếp tay của cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Hàng chục mét khối gỗ được phát hiện ở khu vực biên giới Việt – Lào.

Lợi dụng chặt tỉa cây để khai thác gỗ?

Đầu tháng 4-2022, từ tin báo của quần chúng nhân dân phản ánh về việc tại khu vực rừng bảo tồn Lim xanh ở bản Hội 1, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu đang xảy ra tình trạng cắt tỉa cây hàng loạt, có dấu hiệu chặt phá rừng, phóng viên chuyên đề An ninh thế giới đã tiếp cận để tìm hiểu và nhận thấy, có nhiều dấu hiệu bất thường tại hiện trường khu vực cắt tỉa cây này.

Khu vực rừng Lim xanh ở bản Hội 1 gồm 297 cây lim, có tuổi đời 30-40 năm, được đánh số và đưa vào diện bảo tồn và phát triển cây gỗ bản địa từ nhiều năm qua. Mỗi năm, huyện Quỳ Châu cấp kinh phí cho UBND xã Châu Hội để chăm sóc, quản lý. Khu vực này trước đây là rừng cộng đồng, do ban quản lý bản Hội 1 trực tiếp trông coi. Tuy nhiên, năm 2019, Ban quản lý bản đã tự ý vào chặt hạ 4 cây gỗ lim để đưa về làm công trình cộng đồng. Sự việc được UBND huyện Quỳ Châu phát hiện, lập biên bản xử lý, sau đó giao quyền chăm sóc, trông coi cho xã Châu Hội. Cuối năm 2021, UBND xã Châu Hội có tờ trình gửi Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Châu, xin chặt hạ 21 cây lim xanh, do có hiện tượng chết khô. Do đây là khu vực thuộc rừng ngoài lâm nghiệp do xã quản lý, nên Hạt Kiểm lâm thông báo không cần phải gửi văn bản mà xã chỉ cần thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản, tọa độ từng gốc cây.


Hiện trường vụ khai thác 21 cây lim xanh khối lượng hơn 10m3 gỗ với cái cớ cắt tỉa cây chết.

Ngày 25-3, xã đã cho một người dân bản địa là ông Lương Minh Hiếu, trú tại bản Hội 1 đưa máy cưa vào tiến hành cưa xẻ, chặt hạ. Theo phản ánh của người dân, sự việc chặt cây ở khu rừng bảo tồn này diễn ra rầm rộ và rất nhanh, chỉ trong thời gian 2 ngày, toàn bộ 21 cây Lim xanh đã bị đốn hạ, cưa xẻ thành phẩm vuông vức và vận chuyển ra khỏi hiện trường. Ngày 6-4, có mặt tại vị trí này, phóng viên ghi nhận hàng chục gốc cây gỗ lớn chỉ còn trơ lại gốc, chỉ có một ít cành lá và một số tấm gỗ còn sót lại.

Lần theo các lối mòn mà đơn vị khai thác vừa rời đi, có hàng chục gốc lim lớn đã bị cắt bỏ, chỉ còn trơ gốc và vương vãi một số mảnh gỗ vụn. Từ dấu vết để lại, có thể nhận thấy các cây bị chặt hạ là những cây gỗ lớn, đường kính từ 30 - 60cm. Nhiều vị trí có 4 -5 gốc cây lớn nằm san sát nhau bị cắt bỏ. Điều bất thường là hiện trường việc cắt tỉa này được dọn dẹp rất sạch sẽ, không chỉ thân gỗ được vận chuyển đi rất nhanh, mà phần ngọn, cành và lá cũng được đưa đi nơi khác, chỉ còn vương lại mùn cưa và một ít vật dụng, nước uống.


Một gốc lim xanh tuổi đời 30-40 năm bị chặt hạ sát gốc

Điều bất thường là trong hồ sơ, biên bản ghi nhận các cây bị chặt hạ đều chết khô, song phần lớn gốc cây còn tươi mới, ứa nhựa và đặc biệt là một số ít phần ngọn, lá cây chưa kịp khô héo còn sót lại, là bằng chứng rõ ràng cho thấy, phần lớn các cây lim xanh bị chặt hạ là cây còn sống khỏe, không phải cây chết khô như khẳng định của chính quyền xã Châu Hội và huyện Quỳ Châu. Vậy, có hay không việc lợi dụng cắt tỉa cây chết để chặt hạ cây khỏe mạnh?

Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Luận, Chủ tịch UBND xã Châu Hội, ông này cho biết trong số 21 cây đã chặt, có 20 cây bị chết và một cây bị gãy đổ, đường kính mỗi cây trung bình 25-40cm, chiều cao 6-9m. Tổng khối lượng gỗ đã chặt hạ là 10,197m3, được bán cho một người dân trên địa bàn để làm củi với giá chỉ 6 triệu đồng. “Đây là số lim “chết do sâu đục thân”, xã đã lập hồ sơ và kiểm tra đầy đủ trước khi quyết định chặt hạ”, ông Luận khẳng định. Khi phóng viên đề nghị gặp người dân đã đứng ra mua số gỗ này, kiểm lâm viên của xã dẫn đường nhưng khi đến nhà thì người này đã đi làm ăn xa. Tiếp tục truy tìm nguồn gốc số gỗ nói trên thì được biết, một người khác ở xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp đã mua lại và vận chuyển về đây. Tuy nhiên, khi tìm đến cơ sở này, người mua cho biết đã sử dụng toàn bộ vào việc đốt lò để lấy than? Sau khi tiếp nhận phản ánh từ phóng viên, chiều ngày 6-4, UBND huyện Quỳ Châu đã cho thành lập đoàn gồm lực lượng Kiểm lâm, Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND xã Châu Hội, để kiểm tra hiện trường vụ việc.


Tang vật trong một vụ phá rừng quy mô lớn được đưa về tập kết tại Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Sơn

Nhức nhối vấn nạn phá rừng

Ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu cho biết, trong những năm gần đây, huyện Quỳ Châu là “tâm điểm” của các vụ phá rừng, trong đó phần lớn là chặt phá rừng để lấy đất trồng cây keo nguyên liệu. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có khoảng 150 vụ phá rừng lớn nhỏ với khoảng 50ha. Ngoài xử phạt hành chính, đã có 15 vụ việc bị khởi tố trước pháp luật.

Thời điểm này cơ quan chức năng cũng vừa mới hoàn tất công tác kiểm tra vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa khe Huồi Ít và khe Nhạ, bản Chào Mờ, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu. Đây là khu vực rừng được giao cho người dân quản lý, lợi dụng thời điểm COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã ồ ạt vào khai thác gỗ, dựng lán dưới chân rừng để làm điểm tập kết, cưa xẻ. Thời điểm phát hiện, đã có hàng trăm cây gỗ lớn nhỏ bị chặt hạ. Vụ việc hiện đã được chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Châu để truy tố ra pháp luật. Cũng thời gian này, một vụ việc phá rừng khác xảy ra tại xã Diên Lãm cũng đã được hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án.

Điều đáng nói, các vụ việc phá rừng tại Nghệ An trong những năm gần đây có xu hướng diễn ra ở quy mô lớn. Mới đây nhất, tại khu vực đang thăm dò khai thác khoáng sản của một doanh nghiệp ở khu vực biên giới, thuộc Lô 8, Khoảnh 1, Tiểu khu 416, địa phận bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn do Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý. Tại đây, cuối tháng 3-2022, lực lượng chức năng phát hiện 11 cây gỗ lớn đã bị chặt hạ, đường kính trung bình từ 30 đến 65cm, với tổng khối lượng là 15,63m³. Khu vực gỗ bị khai thác trái phép nằm chân lèn đá, cách khu vực đơn vị thăm dò khai thác khoáng sản theo Giấy phép 1565/GP-BTNMT ngày 24-6-2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam đã thăm dò khoáng sản trước đây khoảng 100m.

Sau khi phát hiện sự việc phá rừng trái phép, qua đấu tranh, Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Sơn đã xác định đối tượng Lương Văn Phanh (sinh năm 1979), trú tại bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn đã chặt hạ 4 cây với khối lượng 1,95m3 để mang về sửa chuồng bò. Hạt Kiểm lâm đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 17,5 triệu đồng về hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Tuy nhiên, 7 cây còn lại có khối lượng 13,68m3 chưa xác định được đối tượng chặt hạ. Hiện, các lực lượng liên quan đã đưa toàn bộ số cây gỗ bị chặt hạ ra khỏi rừng để bàn giao cơ quan Hạt kiểm lâm tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ đối tượng còn lại để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề quản lý rừng, trong thời gian qua tại Nghệ An cũng đã ghi nhận tình trạng cán bộ tiếp tay, trở thành thủ phạm phá rừng và vướng vòng lao lý. Trong đó, vào năm 2019 đã có 5 cán bộ xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu phải nhận kỷ luật vì vấn nạn phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn. Cùng thời gian này, Phó chủ tịch UBND xã Châu Phong Vi Văn Thanh đã có hành vi phá hoại 24.985m2 rừng sản xuất. Thời điểm này, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành và các thuộc cấp cũng đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An khởi tố, bắt giam vì các tội danh liên quan đến rừng. Mới đây nhất, vào đầu năm 2021, Công an huyện Quỳ Hợp đã bắt 2 cán bộ nguyên là Trưởng ban và Phó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Hợp khi bán rừng phòng hộ đầu nguồn để người dân khai thác rừng trái phép xảy ra tại các xã Bắc Sơn và Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp.

Nguồn: CAND

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn

 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889