Loading...

Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu

Lợi dụng sự bùng phát của dịch Covid-19, các đối tượng buôn lậu đẩy mạnh hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/TP) đã kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm; đồng thời chủ động bám sát địa bàn, không để các đối tượng xấu lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh để trục lợi, gây ảnh hưởng đến người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm vật tư, thiết bị y tế sau khi tạm giữ của một cửa hàng kinh doanh trên địa bàn xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn), ngày 1-9.

Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi

Ngày 1-9 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Phòng An ninh kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh tại số 43, đường 3, xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn), tạm giữ hơn 400.000 sản phẩm vật tư, thiết bị y tế các loại gồm: Khẩu trang, găng tay cao su, bộ đồ bảo hộ… Theo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Hoàng Đại Nghĩa, trong số hàng hóa tạm giữ có 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M của Mỹ. Còn ông Vũ Hoàng Hà, đại diện Công ty 3M, xác nhận lô hàng có dấu hiệu giả mạo sản phẩm của công ty đã đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, ngày 16-8, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an huyện Hoài Đức) kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 12C-062.98 đang giao nhận hàng hóa tại đường nội bộ - khu đất dịch vụ thuộc xã An Khánh (huyện Hoài Đức), phát hiện 1.000 bộ van máy thở do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số thiết bị này đều không có nhãn phụ tiếng Việt, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trần Việt Hùng, lợi dụng sự bùng phát của dịch Covid-19, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, như: Kinh doanh hàng nhập khẩu không có giấy phép, hàng hóa có thuế suất cao, giá trị lớn (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, xì gà…); vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép các loại ma túy.

Đặc biệt, khi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, các đối tượng vi phạm đã đẩy mạnh kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử. Các dịch vụ đi kèm thương mại điện tử như chuyển phát, thanh toán hiện đại, nên hàng hóa được luân chuyển rất nhanh, khó kiểm soát. Cùng với đó, các đối tượng vi phạm thường đặt kho hàng xa khu dân cư, thay đổi tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội liên tục... gây không ít khó khăn trong công tác đấu tranh.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 21.618 vụ việc, qua đó xử lý hành chính 18.841 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại; khởi tố 110 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu hơn 2.220 tỷ đồng.

Truy tìm, xử lý đối tượng cầm đầu

Nhận định về tình hình thị trường trong những tháng cuối năm 2021, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP Chu Xuân Kiên cho biết, đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Đặc biệt, dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, tập kết hàng hóa, nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất để đưa hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra, tập trung chủ yếu ở một số chủng loại, mẫu mã, nhãn hiệu nổi tiếng.

Do đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389/TP xác định chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; tập trung nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu; tập trung đấu tranh, phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhằm ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm. Ban Chỉ đạo 389/TP tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng ở Trung ương và các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội.

Cũng theo ông Chu Xuân Kiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đang tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý các sản phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng giả, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch; kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

“Đồng thời, chúng tôi nắm bắt diễn biến thị trường, kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”, ông Chu Xuân Kiên nói.

Nguồn: Thanh Hiền - HNMO

Chia Sẻ :

Tin cùng danh mục

0911 577 889