Loading...

Nhận diện hơn 20 thủ đoạn tội phạm lừa đảo công nghệ cao

Bên cạnh các thủ đoạn lừa đảo truyền thống thường xảy ra trong các giao dịch xã hội, thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội, điện thoại... vẫn diễn biến phức tạp; thậm chí có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, khiến dư luận bức xúc.

Với mục tiêu lan tỏa công tác phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế tối đa các vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo công nghệ cao gây ra, mới đây Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận, tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền đến hơn 300 hội viên.

Trên cơ sở nắm và dự báo tình hình, Công an quận Hai Bà Trưng, nòng cốt là Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp phòng ngừa. Đây là loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội, nên việc đấu tranh, bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn.

Qua công tác đấu tranh, cơ quan Công an đã "điểm danh" các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo công nghệ cao như: Giả danh giáo viên, nhân viên y tế hoặc cơ quan chức năng gọi điện cho phụ huynh, thông báo con em họ bị tai nạn hoặc đang cấp cứu, đề nghị chuyển tiền…


Tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội, điện thoại... vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa: CAHN)

 

Gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo con, em họ mua hàng nợ tiền và yêu cầu chuyển khoản; Đánh cắp quyền truy cập vào các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản để nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn sử dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giả giọng nói, hình ảnh của chủ tài khoản mạng xã hội, sau đó thực hiện các cuộc gọi "video call" lừa đảo khiến các nạn nhân tin tưởng.

Ngoài ra, còn có các thủ đoạn như: Đăng tin tuyển dụng việc làm online thu nhập cao, trả "hoa hồng" hậu hĩnh; Lập tài khoản lôi kéo nạn nhân đầu tư các sàn chứng khoán ảo rồi đánh sập để trục lợi; Giả mạo Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án, cơ quan Công an, Bưu điện… thông báo nạn nhân bị đánh cắp thông tin để hoạt động phạm tội xuyên quốc gia, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP cho các đối tượng.

Gọi điện đe dọa khóa sim điện thoại, hoặc nâng cấp từ sim 3G lên 4G, sau đó đề nghị người dân cung cấp thông tin cá nhân rồi lấy quyền truy cập sim để đăng nhập các tài khoản ngân hàng rút tiền; Lập tài khoản giả danh người nước ngoài kết bạn, làm quen rồi thông báo gửi quà cho nạn nhân, sau đó yêu cầu người này đóng các khoản phí để nhận được quà.

Tạo ra các ứng dụng, website cho vay tiền, quảng cáo trên mạng xã hội, rồi đề nghị bị hại chuyển trước tiền phí làm thủ tục hoặc đóng lãi trước; Giả danh ngân hàng gọi điện thông báo chương trình tri ân, yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP để nhận quà là một khoản tiền…

Theo Trung tá Hoàng Quốc Thực, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hai Bà Trưng, để phòng ngừa những rủi ro liên quan đến tội phạm công nghệ cao, trước hết, phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. Tội phạm công nghệ cao sẽ không có "cửa" hoạt động khi mỗi người, mỗi gia đình đều tự trang bị các kiến thức pháp luật cũng như cảnh giác phòng ngừa.

"Chúng tôi chỉ ra trên 20 thủ đoạn thường xuyên được tội phạm lừa đảo công nghệ cao sử dụng trong thời gian gần đây để cảnh báo bà con. Tuy nhiên, loại tội phạm này rất tinh vi, có thể biến tướng với nhiều "vai", thủ đoạn khác nhau, rất khó lường.

Do vậy, chúng tôi phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội để nhận diện các thủ đoạn mới, từ đó nhanh chóng phổ biến tới bà con nhân dân để phòng ngừa", Trung tá Hoàng Quốc Thực thông tin.

Nguồn: https://laodongthudo.vn/nhan-dien-hon-20-thu-doan-toi-pham-lua-dao-cong-nghe-cao-155260.html

 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889