Loading...

Quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn

Nhằm xử lý triệt để các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, bắt đầu từ đêm 22/9, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội đã lập 14 tổ công tác xử lý vi phạm chéo địa bàn. Khung giờ được chú trọng xử lý từ 22h hôm trước đến 3h hôm sau.

 

Khép kín địa bàn, khung giờ

Đêm 22 và rạng sáng 23/9, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt triển khai Kế hoạch kiểm tra giao thông chéo tuyến, chéo địa bàn, tập trung vào xử lý các lỗi vi phạm nồng độ cồn, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm và các vi phạm giao thông khác. Theo đó, 14 tổ công tác xử lý vi phạm chéo địa bàn; khung giờ được chú trọng xử lý là từ 22h hôm trước đến 3h hôm sau.

Ghi nhận tại phố Tố Hữu, thời điểm 22h ngày 22/9, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 9 bắt đầu triển khai lực lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đến 23h cùng ngày, tổ công tác yêu cầu dừng ô tô mang BKS 30M-10XX do tài xế N.V.C (sinh năm 1973; trú tại Đống Đa, Hà Nội) điều khiển. Qua máy đo, Cảnh sát giao thông xác định tài xế C vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,088 mg/lít khí thở.

Tại chốt kiểm soát, tài xế cho biết mình đã uống 1 cốc bia rồi điều khiển phương tiện. Tài xế C đã bị lập biên bản xử phạt hành chính với lỗi "Điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở", với lỗi này, tài xế C bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Được biết, trong ca công tác đến 3h, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 9 đã kiểm tra gần 500 lượt phương tiện ô tô, nhưng chỉ phát hiện 3 tài xế vi phạm.

Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 9 triển khai lực lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh: Văn Huế)

Cùng thời gian trên, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 7 phụ trách tuyến địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm được giao nhiệm vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn “khủng” cao gần và vượt mức kịch khung.

Trường hợp ông N.H.H (sinh năm 1968; trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) do nghĩ rằng thời điểm sau 22h, Cảnh sát giao thông không còn tuần tra, cắm chốt nên ông uống nhiều rượu, bia trong liên hoan sinh nhật cháu rồi điều khiển xe máy về nhà. Kết quả vi phạm nồng độ cồn của ông N.H.H là 0,386mlg/lít khí thở sát với mức vi phạm kịch khung (0,4mlg/lít khí thở).

Hay như trường hợp anh Đ.T.S (sinh năm 1986; trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) điều khiển xe máy biển kiểm soát 17N6-5790 khi kiểm tra đã cho kết quả 0,845mlg/lít khí thở, gấp đôi vi phạm kịch khung. Anh Đ.T.S sau một hồi thể hiện “mất bình tĩnh” đã bỏ đi, chỉ ký vào giấy xác nhận kết quả đo nồng độ cồn và không ký vào biên bản vi phạm hành chính. Kết quả đo nồng độ cồn của tài xế Đ.T.S cũng được xác định là cao nhất trong ca công tác đầu tiên thực hiện kế hoạch kiểm tra giao thông chéo tuyến, chéo địa bàn...

Việc kiểm tra chéo địa bàn nói chung và tập trung kiểm tra vi phạm nồng độ cồn vào khung giờ đêm muộn đến rạng sáng sẽ giúp xử lý triệt để vi phạm.

 

Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9, cho biết, kiểm tra đêm khuya muộn vì giai đoạn từ 0h - 5h sáng là thời gian mà lực lượng có thể bố trí mỏng nhất nên thường nhiều người chủ quan sẽ vi phạm. Việc kiểm tra chéo địa bàn nói chung và tập trung kiểm tra vi phạm nồng độ cồn vào khung giờ đêm muộn đến rạng sáng sẽ giúp xử lý triệt để vi phạm. Nếu như trước kia, một tổ, đội địa bàn chỉ có thể kiểm tra ở 1 địa điểm thì nay tổ kiểm tra chéo có thể di chuyển các địa điểm khác nhau khiến người vi phạm không thể né tránh.

Không có vùng cấm

Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông, việc tổ chức triển khai kế hoạch bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ chéo tuyến, địa bàn được phân công, phân cấp theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhằm đánh giá lại, nâng cao hiệu quả công tác bố trí lực lượng, tập trung xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm “nổi cộm”.

Nếu trên địa bàn có 1 tổ công tác thì dễ bị các đối tượng thông qua mạng xã hội thông báo giúp cho các lái xe cố tình tránh đi các đường khác. Hoặc khi biết lực lượng đứng chỗ này sẽ đi vào đường nhánh, tuyến đường song song. Chính vì thế, 14 tổ công tác của Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ kiểm tra xử lý ở bất kì điểm nào và di chuyển thay đổi địa bàn kiểm tra liên tục. Có những chốt chỉ đứng khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi di chuyển ra điểm khác. Việc làm thay đổi liên tục giúp người vi phạm không thể trốn tránh, coi thường luật giao thông đường bộ

Trực tiếp làm nhiệm vụ, Trung tá Phạm Anh Tuấn - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7, cho biết, nhiều người tham gia giao thông vẫn nghĩ sau 22h, Cảnh sát giao thông không còn cắm chốt tuần tra, kiểm soát tình hình giao thông nên vẫn vi phạm. Họ chọn các tuyến đường tránh các tổ công tác 141/Công an Thành phố cắm chốt công khai để di chuyển. Quá trình làm nhiệm vụ cho thấy, vẫn còn tâm lý cả nể đi ăn tiệc, liên hoan gặp gỡ bạn bè để vi phạm uống rượu, bia quá chén điều khiển phương tiện.

Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy theo quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong phát hiện, xử lý vi phạm, Cục Cảnh sát giao thông đã bố trí 6 tổ công tác sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang cấp, tham gia thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm tại các địa phương trong toàn quốc...

PV.

Nguồn: https://laodongthudo.vn/quyet-liet-xu-ly-vi-pham-ve-nong-do-con-160657.html

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889