Loading...

Xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn luôn được chú trọng. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó đã phát hiện một số vi phạm.

Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của Thành phố đã tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo về an toàn thực phẩm và việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Bà Cao Thị Hoa - Trưởng phòng Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đã chủ động triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và sơ kết công tác an toàn thực phẩm 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn quận.

Mới đây, Phòng Y tế quận đã công bố danh sách các cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm trong tháng 4/2023. Cụ thể, UBND quận Hai Bà Trưng đã xử phạt 9 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt 88 triệu đồng. UBND cấp phường trên địa bàn quận xử phạt 28 cơ sở vi phạm, tổng số tiền 56 triệu đồng.


Qua kiểm tra đã phát hiện một số nhà hàng chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Đáng chú ý, theo danh sách công bố, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bị phạt bởi hành vi “người trực tiếp chế biến thức ăn không cắt ngắn móng tay”. Cụ thể, nhà hàng Asahi Sushi - Công ty TNHH Thương mại Long Đình (địa chỉ 286 - 288 Bà Triệu) bị phạt 4 triệu đồng vì “người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay”.

Cùng với lỗi tương tự, Công ty cổ phần Toàn Minh Giang (địa chỉ 65 - 67 Triệu Việt Vương) cũng bị phạt 4 triệu đồng; cơ sở Mỳ cay Sasim (địa chỉ tại 121 Trần Đại Nghĩa) bị UBND cấp phường xử phạt 2 triệu đồng; cơ sở Cơm Thanh Nga (kiot 10 - A1 Tạ Quang Bửu) bị phạt 2 triệu đồng; cơ sở bún chả (địa chỉ số 299 Bạch Mai) bị phạt 2 triệu đồng.

Hộ kinh doanh cơm rang Cô Tám (126 Hồng Mai) bị phạt 12,5 triệu đồng vì hành vi “kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Cùng lỗi này, hộ kinh doanh Cao Thị Kim Oanh (92 Bạch Mai) cũng bị phạt 12,5 triệu đồng. Đáng chú ý, cơ sở kinh doanh số 1 - Công ty TNHH Tonchan Việt Nam (109 Triệu Việt Vương) bị phạt tới 25 triệu đồng vì lỗi “kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.

Một số cơ sở khác bị xử phạt vì hành vi “không sử dụng gang tay khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín, thức ăn ngay”; “nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập”; “thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn”; “bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh”,…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra số 2 đánh giá, quận Hai Bà Trưng là một trong những quận đứng đầu Thành phố về làm tốt công tác an toàn thực phẩm; ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm; triển khai nhiều chuyên đề, mô hình điểm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, quản lý các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ,…; tỷ lệ kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cao; công khai đường dây nóng, tiếp nhận thông tin về an toàn thực phẩm; công khai trên Cổng thông tin điện tử của quận, Trang thông tin điện tử phường về các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị trong thời gian tới, quận Hai Bà Trưng tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người quản lý, người kinh doanh, các hộ gia đình trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn.

Trong thời gian làm việc tại quận Hai Bà Trưng, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 đã tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần đầu tư thương mại Quốc tế Mặt trời Việt, địa chỉ số 155 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có vi phạm “Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước”. Đoàn kiểm tra đã bàn giao Đoàn kiểm tra liên ngành quận tiếp nhận biên bản kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền phạt 8 triệu đồng

Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của Thành phố cũng đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa bàn quận Thanh Xuân.

Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, toàn quận đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, bao gồm 11 đoàn kiểm tra liên ngành của phường, 2 đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận và 1 đoàn liên ngành kiểm tra công tác y tế học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học.


Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và lưu mẫu thức ăn của một nhà hàng trên địa bàn quận Thanh Xuân.

 

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Riêng trong đợt cao điểm Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 227 cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…

Kết quả trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn quận đã xử phạt vi phạm hành chính 56 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 288 triệu đồng. Riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn quận đã xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 230 triệu đồng.

Các nội dung vi phạm chủ yếu là sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Đoàn kiểm tra số 1 đã trực tiếp kiểm tra nhà hàng Maison Sen Buffet (địa chỉ 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân). Tại thời điểm kiểm tra, khu vực bếp của nhà hàng sắp xếp lộn xộn, không có sự phân khu sơ chế, chế biến thực phẩm riêng biệt và khép kín một chiều; không có kho bảo quản thực phẩm theo quy định nên thực phẩm bao gói, rau quả để lẫn lộn với thức ăn chín. Ngoài ra, việc lưu mẫu thức ăn và sổ kiểm thực 3 bước không thực hiện đúng theo quy định…

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, Trưởng đoàn kiểm tra số 2 cho rằng, dù diện tích khu vực bếp của nhà hàng nhỏ hẹp nhưng vẫn phải bảo đảm sắp xếp ngăn nắp theo quy định, nhất là phải tuân thủ quy trình bếp ăn một chiều, sạch sẽ và khoa học. Bên cạnh đó, sàn nhà cần thiết kế các biện pháp chống trơn trượt, bảo đảm an toàn cho nhân viên khi bưng bê, sơ chế thực phẩm.

Ông Đặng Thanh Phong đề nghị, nhà hàng cần nghiêm túc khắc phục ngay những tồn tại nêu trên, đồng thời báo cáo về Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Thanh Xuân để tiến hành hậu kiểm.

Hà Phong
Nguồn: https://laodongthudo.vn/xu-phat-nhieu-co-so-kinh-doanh-an-uong-vi-pham-an-toan-thuc-pham-155508.html

 

 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889