Loading...

Hà Nội: Môi trường vẫn là vấn đề nan giải

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, môi trường là gam màu "xám" nhất trong bức tranh kinh tế- xã hội của Thành phố. Quá trình đô thị hóa, tăng dân số cơ học, phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề... làm cho môi trường ngày một ô nhiễm. Đây là thực trạng mà Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội đang quyết tâm giải quyết.

Đoạn mươn nước ô nhiễm tại ngõ 298 phố Trần Điền.

 

Các dòng sông đều ô nhiễm

Từ một đoạn mương trong xanh với từng đàn cá nhỏ bơi lội, giờ đây khu vực mương nước tại ngõ 298 Trần Điền, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã biến thành dòng sông rác khổng lồ. Việc đổ trộm rác thải bấy lâu nay gây nhức nhối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến đường ngõ 298 phố Trần Điền kết nối Khu đô thị Định Công với ngõ 192 phố Lê Trọng Tấn. Đây là khu vực trong diện giải phóng mặt bằng của Dự án đường Vành đai 2,5. Ngõ có một mương thoát nước hở, theo quy hoạch của dự án, các đơn vị sẽ thi công xây dựng cống hộp thay thế cho mương tiêu thoát nước.

Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, đơn vị được Công ty Thoát nước Hà Nội bàn giao quản lý, duy tu là Công ty TNHH Hoàng Mai vẫn chưa thực hiện hạng mục của dự án. Lâu dần, khu vực mương thoát nước này trở thành nơi tập kết rác, phế thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dòng nước trong mương bị rác bủa vây nên chảy rất chậm...

Dòng sông Tô Lịch chỉ "xanh mướt" khi Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả hàng triệu m3 nước hồ Tây.

“Khu vực đoạn sông này trước kia rất sạch và có thể dùng nước để tưới rau, nước trong có thể nhìn thấy cá và dòng chảy phía dưới. Tuy nhiên, từ khi có dự án xây dựng đường Vành đai 2,5, đoạn sông này nằm trong quy hoạch và dần trở thành điểm tập kết rác, bốc mùi hôi thối rất khó chịu”, bà Nguyễn Thị Tiến, người dân sống tại khu vực, cho biết.

Trên thực tế, không chỉ riêng đoạn mương nước tại ngõ 298 Trần Điền, cả 4 dòng sông thuộc nội đô Hà Nội bao gồm sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét và sông Lừ đêu đang bị “bức tử” từng ngày vì ô nhiễm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cả 4 dòng sông đang phải “gồng gánh” gần như toàn bộ nguồn nước thải của người dân Thủ đô. Nhiều người dân đã phải thốt lên thay vì gọi tên 4 dòng sông chúng ta nên đổi tên thành "4 mương nước thải".

Những năm vừa qua, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án kết hợp với các doanh nghiệp từ Đức, Nhật Bản nhằm “hồi sinh” sông Tô Lịch. Mới đây nhất là dự án “Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá” được khởi công từ ngày 18.5.2020 với mục tiêu đưa hàng trăm nghìn mét khối nước thải về nhà máy Yên Xá xử lý trước khi đổ ra sông. Tuy vậy, kể cả khi dự án được đưa vào vận hành cũng rất khó để có thể trả lại môi trường trong nhanh như cũ cho các dòng sông bởi lẽ toàn bộ nguồn nước bổ cập để dòng sông có thể tự duy trì hệ sinh thái đều đã bị lấn chiếm, vùi lấp.

Anh Châu Văn Phương, phường Định Công, quận Hoàng Mai, cho biết: “Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nắng nóng, nước sông Lừ bốc hơi lên khiến cho chúng tôi không chịu nổi. Bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, dân gần bờ sông cũng rất dễ bị sốt xuất huyết hoặc các bệnh truyền nhiễm khác do ruồi, muỗi gây ra”.

Nếu như các dòng sông khu vực nội đô ô nhiễm bởi nguồn nước thải sinh hoạt thì ở khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp nhỏ, làng nghề với nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thủ công cũng đang ngày đêm bức tử môi trường sống của các dòng sông. Đơn cử như trường hợp tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy là một trong những lưu vực sông có chất lượng môi trường nước kém nhất khu vực phía Bắc. Có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả chỉ số chất lượng nước WQI <50 ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.

Báo cáo của Ủy ban Lưu vực Nhuệ - Đáy, Tổng cục Môi trường cũng chỉ rõ, lượng nước thải chủ yếu vào Lưu vực sông Nhuệ - Đáy là nước thải sinh hoạt, tiếp theo là nước thải làng nghề, cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Mỗi ngày lưu vực sông Nhuệ - Đáy phải tiếp nhận khoảng 1.982 nguồn thải, với tổng lưu lượng nước thải xả 19.048m3/ngày đêm. Trong đó lưu lượng phát sinh từ sinh hoạt của người dân 16.421m3/ngày đêm.

Nước thải được xả thẳng xuống các dòng sông là nguồn cơn gây ô nhiễm.

 

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ - Đáy chiếm rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại, lên tới trên 65%, hầu hết đều không được xử lý. Thêm nữa, lượng nước thải do phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nước thải y tế cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường nước của hai con sông này.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường của ở các con mương hay những dòng sông được nêu ở trên không phải là chuyện mới nhưng nó ngày càng diễn ra trầm trọng hơn trong thời gian gần đây. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh để sớm có những biện pháp khắc phục hoặc chí ít tránh gây trầm trọng thêm.

Thiếu đồng bộ, buông lỏng quản lý

Chỉ một từ khóa “ô nhiễm môi trường hà nội” trong ít giây mạng xã hội Google đã trả về cả triệu kết quả, mới nhất có thể kể đến gồm: Núi rác thải xây dựng tại dự án nối đường Phạm Hùng và Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm; Bãi tập kết rác thải tự phát trên Đại lộ Chu Văn An; ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp làng nghề Thạch Thất và cả ô nhiễm không khí tại Hà Nội… Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường mà đa phần trong số đó xuất phát từ sự buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở.

Thùng rác thông minh nhưng người dân đổ rác chưa văn minh.

 

Phát biểu tại phiên chất vấn Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố về vấn đề ô nhiễm đô thị vừa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thẳng thắn chỉ ra sự thiếu trách nhiệm của không ít lãnh đạo địa phương.

“Trong chừng mực quản lý, lãnh đạo các cấp, đặc biệt cấp cơ sở xã, huyện, sở ngành đã quan tâm đầy đủ chưa? Quả thực là chưa ăn cùng, ngủ cùng, nghĩ về... Chính vì vậy mới có sự chậm trễ, buông lỏng trong quản lý, lơ là. Cảm giác như không trực tiếp ảnh hưởng đến mình. Điều đó rất là nguy hiểm, hậu quả rất ghê gớm, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, con cháu chúng ta. Chưa tương xứng với thực trạng chung”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Nhận định của người đứng đầu UBND Thành phố là rất chính xác, bởi lẽ ở ít nơi, chính quyền cấp cơ sở tỏ ra khá chậm chạp nếu so sánh với tốc độ phát sinh của các vấn đề ô nhiễm đô thị như xả rác thải bừa bãi, sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm… và tất cả đều vô tình hay cố ý đều nhắc đến cụm từ “xảy ra đã lâu, địa phương đã nhiều lần vào cuộc nhưng tình hình không có tiến triển”.

Ở cấp độ Thành phố những nguy cơ về môi trường như sự quá tải của Bãi rác Nam Sơn, Xuân Sơn; sự chậm trễ của các dự án Thoát nước; sự thiếu hụt của các dự án nước thải Khu công nghiệp; ô nhiễm bụi giao thông… cũng đã nhiều lần được lãnh đạo Thành phố nhắc đến nhưng quá trình khắc phục thì vẫn còn chậm chễ.

Sự quá tải của các bãi rác Nam Sơn, Xuân Sơn đã được cảnh báo từ lâu.

 

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên đến nay, theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động là bãi rác Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn ở thị xã Sơn Tây; Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, ở quận Nam Từ Liêm.

Trên thực tế khu Cầu Diễn chỉ là trạm trung chuyển và lượng rác toàn bộ được đổ dồn về hai bãi Nam Sơn và Xuân Sơn. Những cảnh báo về sự quá tải của bãi rác Nam Sơn đã được nhắc đến từ những năm 2018 - 2019, tuy nhiên đều không được khắc phục.

Hệ lụy là các ô chôn lấp quá tải, người ta đã phải đổ rác trùm lên giữa các khe hố trôn, cho đến khi các khe này được đổ đầy thì cốt của các hố chôn cũng đã cao lên thêm vài mét. Ngay cả vào năm 2022, khi thành phố phê duyệt xây thêm hố chôn lấp mới với hàng chục tỉ đồng đã được chi ra thì khu vực này cũng chưa được đưa vào sử dụng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các vấn đề về môi trường của Thủ đô không phải mới, cũng không phải cá biệt, mấu chốt vẫn đề là cần xác định rõ trách nhiệm của từng cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tác hại của ô nhiễm môi trường.

Trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các địa phương, ở đâu bị phản ánh nhiều nhưng không giải quyết được thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm, qua đó, tạo ra tính đồng bộ, kết nối chặt chẽ từ cơ sở đến các cấp cao hơn. Mặt khác, các quy định pháp luật hiện hành cần thể hiện rõ vai trò của người dân vì đây là nhóm người chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Tuấn Dũng

Nguồn: https://laodongthudo.vn/bai-6-moi-truong-van-la-van-de-nan-giai-157945.html

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889