Loading...

Phòng ngừa mất an ninh trong trường học trước năm học mới

Những vụ việc ảnh hưởng đến an toàn trường học, bạo lực học đường luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trường trước thềm năm học mới.

Trường học phối hợp với Công an tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh.

 

Quan tâm đặc biệt đến an toàn trường học

Bà Đặng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Là đơn vị có số học sinh rất lớn, với gần 4000 em mỗi năm nên việc bảo đảm an toàn trường học luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm, thậm chí còn hơn cả công tác chuyên môn.

Trong thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường có diễn biến phức tạp. Những nguy cơ mất an toàn ngoài cổng trường như ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông, lừa đảo qua mạng, qua số điện thoại luôn rình rập học sinh. Nếu trường học không an toàn, phụ huynh sẽ không yên tâm khi cho con đến trường

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an tổ chức thực hiện quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn trường học, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác.

 

Định kỳ hàng năm, Công an phường và công an quận đã chủ động tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật gắn với các buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần hay các hoạt động ngoại khóa khác. Những buổi sinh hoạt ngoại khóa được các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật.

Cùng với đó, nhà trường thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; đưa các trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục thể chất của học sinh nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và tạo sân chơi lành mạnh; xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường.

Trong khi đó, cô Lê Thị Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) chia sẻ: Mấy năm trước, nhà trường là điểm nóng của một vụ bạo lực học đường. Rút kinh nghiệm từ sự việc, các thầy cô trong trường đã tăng cường các buổi tư vấn tâm lý cho học sinh, quan tâm đến hoàn cảnh gia đình các em hơn trước. Nhờ đó những năm qua, tình trạng bạo lực đã không còn xuất hiện.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ANTT trường học; phòng, chống bạo lực học đường vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường tiềm ẩn mối nguy hiểm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, gây hoang mang cho phụ huynh.

Trước tình hình trên, nhà trường đã phối hợp với lực lượng công an thường xuyên duy trì và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn trường học, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục trên địa bàn. Tổ chức các buổi tuyên truyền về kiến thức pháp luật, các kỹ năng phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Cùng với đó là việc nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh trong việc phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh xây dựng trường học an toàn. Chú trọng nội dung phòng chống dịch bệnh, tai nạn giao thông, bạo lực, đuối nước, phòng chống cháy nổ... nhằm giảm tối đa tỷ lệ tai nạn thương tích trong và ngoài trường học.

Cô giáo dạy học sinh bài học về an toàn với môi trường công nghệ.

 

Bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giáo dục

Đánh giá về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn, phòng, chống bạo lực học đường của năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương. Tình trạng bắt nạt, căng thẳng, trầm cảm hoặc khó khăn về tâm lý vẫn còn xảy ra đối với nhiều học sinh.

Giáo dục kỹ năng sống để tự bảo vệ trước các vấn đề về bạo lực học đường chưa được đầy đủ, toàn diện. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện chưa thực sự hiệu quả…

Trong năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục sẽ chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên như: Phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng để phòng chống tội phạm, xâm hại trẻ em, tội phạm ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và HSSV.

Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Bộ Công an luôn nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của ngành GD&ĐT trong sự nghiệp trồng người, là giải pháp căn cơ góp phần bảo vệ an ninh văn hóa, an toàn trật tự xã hội, chủ động phòng ngừa sớm những tác động đến an ninh trật tự.

Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã ký kết và triển khai chương trình phối hợp như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025; triển khai Dự án phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên đến năm 2025, Dự án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2025 định hướng 2030.

PV.Lan Anh

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/phong-ngua-mat-an-ninh-trong-truong-hoc-truoc-nam-hoc-moi-post652265.html

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889