Loading...

Một xã có 50 phụ nữ làm “đồng nát” và câu chuyện cảm động

Sáng sớm, đội cái nón lên, bà Nở lại đạp cái xe cũ kỹ, thoăn thoắt đi trên tuyến đường liên thôn. Cũng như bà Nở, gần 50 chị em phụ nữ xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì đang hối hả hoàn thành nốt công việc gia đình để tham gia đội quân “đồng nát”.

Những dấu chân không mỏi

Có người nói, ở xã Duyên Hà có tới 50 phụ nữ làm đồng nát. Ôi, xã gì mà nghèo thế? Có đến 50 phụ nữ làm nghề đồng nát thì quả thật quá nghèo! Ấy thế nhưng, họ chẳng nghèo đâu, họ giàu tình, giàu nghĩa và giàu từ trong vốn ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Họ là những “bà đồng nát” biến rác thải thành tiền nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn, giúp những em bé nghèo có sách vở để đến trường…

Phụ nữ xã Duyên Hà chở rác tái chế đến điểm thu mua.

Cứ mỗi tháng hai lần, trên con đường quê sạch sẽ, rợp hoa của xã Duyên Hà lại tấp nập bóng dáng của các bà, các mẹ, các chị hội viên phụ nữ xã đang truyền tay nhau những hộp bìa các tông, vỏ lon, chai nhựa. Người thì làm nhiệm vụ dỡ bìa hộp, buộc lại thành từng bó, người thì phân loại vỏ lon, chai nhựa vào từng chiếc túi, loại nào vào loại nấy.

Các chị buộc chúng lên xe máy, xe đạp, háo hức chở đến nơi thu mua vật liệu tái chế để cân, bán lấy tiền. Cồng kềnh là thế, mất công là thế, nhưng số tiền bán “đồng nát” thực ra lại chẳng được bao nhiêu. Có khi cả đống lớn chất bên đường đầy bìa hộp, vỏ, lon, chai nhựa kia khi bán đi cũng chỉ được mấy trăm nghìn đồng.

Thế nhưng từ cái nắng gắt của mùa hè tháng 6, cho đến cái lạnh giá của mùa đông tháng 12, rồi đến nay, khi xuân qua, hè lại tới, các bà, các mẹ, các chị vẫn tiếp tục “ra quân” để thu gom vật liệu tái chế, “biến rác thải thành tiền”. Trong lúc làm việc, họ í ới trao đổi, không khí như trẩy hội.

Một xã có 50 phụ nữ làm “đồng nát” và câu chuyện cảm động
Hạnh phúc trên mỗi cung đường.

Chị Trần Thị Bình, một hộ dân ở xã Duyên Hà cho biết: “Từ 5 giờ 30 sáng tôi đã thấy các bà, các chị ấy đạp xe đi trên đường để thu gom vỏ lon tại các thùng rác công cộng đặt trên các tuyến đường quê, tại điểm tập kết rác. Dần thành quen, gia đình chúng tôi cứ có vỏ lon, bìa các tông, chai nhựa là để riêng chứ không vứt chung với rác, đợi các chị đi qua thì gọi vào đưa. Thấy việc làm của các chị ý nghĩa nên nhiều hộ dân bỏ riêng rác tái chế, cho vào túi, treo sẵn ngoài hàng rào để các chị đến lấy.”

Đã ngoài 60 nhưng bà Đặng Thị Nở ở thôn Tân Hà vẫn hăng hái tham gia mô hình “Biến rác thải thành tiền”. Sáng sớm, bà Nở đạp xe đi dọc tuyến đường liên thôn Tân Hà để thu gom rác tái chế. Nghe bà kể mà vừa xúc động lại vừa thấy hài hước: “Trước đây tôi không quan tâm đến mấy thứ như vỏ lon, bìa giấy, nhưng từ ngày tham gia mô hình, đi đâu tôi cũng nhìn quanh xem có mấy thứ đó vứt ra không. Đôi lúc mắt cũng láo liên như… kẻ trộm.

Cũng thỉnh thoáng có người từ nơi khác đến xã, khi dùng xong lon nước liền vứt ra ven đê hoặc bờ ruộng, thế là tôi cấp tốc dừng xe, chạy ra lấy luôn. Không ít người nhìn tôi bằng con mắt hiếu kỳ, chắc họ nghĩ tôi là người bán đồng nát. Ban đầu cũng ngại, nhưng về sau làm thành "nghiện". Nhất là từ ngày có mô hình này, rác thải nhựa đã vắng bóng trên các tuyến đường thôn, xã, bởi có bao nhiêu, chị em chúng tôi gom hết rồi, nên đường thôn giờ càng sạch sẽ”.

Một xã có 50 phụ nữ làm “đồng nát” và câu chuyện cảm động
Chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Hà đang gỡ vỏ hộp giấy để bó gọn lại.

Là một cán bộ làm việc ở thôn Văn Uyên, nhưng chị Nguyễn Thị Lự, Phó trưởng thôn Văn Uyên cũng không ngại khó, ngại bẩn, bất chấp rác bẩn để tham gia phân loại và thu gom. Chị nói: “Thay vì làm việc này, tôi có thể quyên góp vài trăm nghìn, nhưng nó lại chẳng mấy ý nghĩa. Thu gom rác thải tái chế, không chỉ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, mà còn giúp cho môi trường sạch hơn, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Hơn thế nữa, chính là tạo thành ý thức cho bà con, nhiều hộ gia đình đã tự động để riêng rác tái chế ra khỏi rác thải thông thường. Điều này tạo nên ý thức, và có lẽ nó còn là ý thức của cả thế hệ”.

Chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Hà cho biết, trước đây, Hội cũng đã liên tục phát động phong trào phân loại rác thải tại nguồn, nhưng vẫn còn một số hộ chưa thực hiện. Nhờ có mô hình “Biến rác thành tiền”, tỷ lệ hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn đã tăng lên rõ rệt.

Câu chuyện cổ tích trong đời thật

“Một việc làm, nhiều ý nghĩa”, đó là điều mà các bà, các chị, các mẹ hội viên phụ nữ xã Duyên Hà đã làm được. “Biến rác thải thành tiền”, mới chỉ nghe thôi, nhiều người còn nghĩ đó chỉ là một “câu chuyện cổ tích” hoặc một màn “ảo thuật”, nhưng ở nơi đây, trên mảnh đất Duyên Hà này, những người phụ nữ ấy đã biến nó thành sự thật. Không chỉ thế, số tiền ấy còn “bay” đến với những cuộc đời khó khăn, mặc dù không phải mọi nơi, mọi lúc, nhưng đôi khi lại đúng lúc họ cần.

Một xã có 50 phụ nữ làm “đồng nát” và câu chuyện cảm động
Các chị như những "siêu nhân" sẵn sàng bê cả bao rác to như thế này để có được ít tiền, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Là một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, chị Cao Thị Phượng nghẹn ngào không nói nên lời khi bất ngờ được trao số tiền 7,6 triệu đồng. Chồng chị Phượng mất sớm do bệnh hiểm nghèo, bản thân chị là người không biết chữ, không có nghề phụ, chỉ làm ruộng, trồng rau mang ra chợ bán, nuôi 3 con nhỏ ăn học, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Khi năm học mới sắp đến, chị đau đáu lo tiền đồng phục, sách vở, học phí của 3 con. Thế nhưng, chỉ trông chờ vào cánh đồng rau nhỏ thì tính làm sao? Chị Phượng mất ăn mất ngủ. Vậy mà một buổi tối, chị được hội viên phụ nữ xã Duyên Hà đến tận nơi trao số tiền 7,6 triệu đồng và một số đồ dùng học tập cho các con chị.

Chị Phượng xúc động nói: “Tôi rất xúc động và cảm ơn những tình cảm quý báu của cán bộ, hội viên phụ nữ xã Duyên Hà trong suốt những năm qua đã liên tục giúp đỡ mẹ con tôi trong những lúc khó khăn nhất”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà có hoàn cảnh khó khăn. Hai vợ chồng bà Tuyết đã ngoài 70 tuổi, trước đây bà Tuyết làm ruộng, còn chồng làm bảo vệ. Nhưng 3 năm nay, ông bà tuổi đã cao, không đi làm được nữa, thu nhập chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Một xã có 50 phụ nữ làm “đồng nát” và câu chuyện cảm động
Không thể tưởng tượng những vỏ hộp méo mó, những giỏ nhựa cáu bẩn này lại có "sứ mệnh" trở thành những "bông hoa" tình người.

Con gái bà Tuyết là chị Ngô Thị Hồng, sinh năm 1993, vì một vụ tai nạn bất ngờ, Hồng bị liệt tứ chi nằm một chỗ 16 năm nay. Trước kia Hồng đi học võ, học rất giỏi, nhận được rất nhiều huy chương, nhưng 16 năm nay sống hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ già. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Tuyết, hội phụ nữ xã đã quan tâm, thường xuyên tặng quà nhân dịp các ngày lễ, Tết, kỷ niệm trong năm từ nguồn quỹ tình thương, mô hình “Biến rác thải thành tiền”.

Năm 2023, chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà có chuyến đi cùng Hội phụ nữ huyện đến địa bàn huyện Gia Lâm, qua một đền thờ, chị thấy bên ngoài đền đặt một thùng rác và treo biển “Mô hình biến rác thải thành tiền”, chị đã chụp lại. Đến tháng 6/2023, nhân ngày Môi trường thế giới, chị đã phát động phong trào “Biến rác thải thành tiền” đến tất cả hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn xã.

Một xã có 50 phụ nữ làm “đồng nát” và câu chuyện cảm động
Các bà, các mẹ, các chị dù ở tuổi nào cũng không quản ngại vất vả.

“Ngày đầu tiên chúng tôi kiếm được 360 nghìn đồng từ rác thải, đó là các vỏ lon, chai nhựa bỏ đi, bìa hộp các tông,… Tôi thấy rằng, việc thu gom rác thải và bán lấy tiền, vừa gây được quỹ tình thương, vừa bảo vệ được môi trường, là việc làm rất ý nghĩa. Chị em hưởng ứng tham gia mô hình rất đông, lên đến 50 hội viên.

Từ tháng 6/2023 đến nay, mô hình đã thu được gần 40 triệu đồng. Đã tặng quà 3 đợt: Đầu năm học mới tặng 14 suất quà, tổng cộng 8,4 triệu đồng, nhân dịp kỷ 20/10 tặng 19 suất quà, tổng trị giá 5,7 triệu đồng, Tết Nguyên đán tặng 31 suất quà với số tiền là 15,5 triệu đồng. Quà đều bằng tiền mặt”, chị Điệp chia sẻ.

Chính bàn tay chị Điệp đã cùng với những phụ nữ trong xã gỡ từng tấm bìa, vỏ hộp mứt, bánh kẹo hay phân loại những vỏ lon, chai nhựa để “biến” chúng thành tiền.

Bà Trần Thị Thanh Hiền, hội viên phụ nữ xã Duyên Hà cho biết: “Chúng tôi là đội tình nguyện, thu gom rác và đổi thành tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất cứ nơi đâu gọi là tôi có mặt. Kể cả những nơi xa cách điểm tập kết 15km, tôi vẫn đánh xe thồ đi”.

Một xã có 50 phụ nữ làm “đồng nát” và câu chuyện cảm động
Bàn tay không ngại bẩn của những người phụ nữ có tâm, có tình.

Bà Nguyễn Thị Chiến, một “tình nguyện viên” của đội chia sẻ: “Hạnh phúc nhất của chúng tôi là khi dùng số tiền này hỗ trợ các cháu. Phụ huynh của các gia đình rất cảm động. Tuy tôi tuổi cao rồi nhưng thích làm công việc này lắm. Tối hôm qua, tôi thấp thỏm không ngủ được, chỉ mong đến sáng. Sáng nay 6h đi ra ngoài thì thấy người ta đi tảo mộ, vứt nhiều vỏ lon, tôi lại nhặt được 1 túi”.

Cứ như thế, các bà, các mẹ, các chị lặn lội khắp mọi ngõ ngách của làng quê để thu gom rác thải nhựa, rác tái chế, mang về để “biến” chúng thành tiền. Những đồng tiền thật ý nghĩa, cũng đầy ắp nghĩa tình.

Về xã Duyên Hà hôm nay, gió xuân trải dài trên các con đường, tiếng đạp xe lách cách của các mẹ, các chị như gõ nhịp trên các nẻo quê, tô thắm vẻ đẹp của tình người trên mảnh đất này. Diện mạo Duyên Hà hôm nay thật sự ấn tượng với bạt ngàn vườn rau xanh mướt, những đường hoa rực rỡ sắc màu và bích họa, không khí trong lành, đồng quê sạch sẽ. Đó cũng là nhờ những bàn tay không ngại bẩn của những người phụ nữ có tâm, có tình nơi đây. Họ là những người đã biến rác tái chế thành những "đóa hoa", trao đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn trên mảnh đất quê hương Duyên Hà.

Bảo Thoa – Thanh Hồng

 

Nguồn: Laodongthudo

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889