Có những lúc, đoạn đường dài vài km không có bóng người, chỉ có núi đá lờ mờ hiện ra trong màn sương mù dày đặc. Qua lối đi vào trung tâm xã Xín Cái được một quãng, chúng tôi thấy nằm chênh vênh nơi đỉnh dốc có hai gian nhà dựng bằng tôn và bạt nhỏ bé, cắm cờ Tổ quốc đỏ tươi trước cửa. Dừng xe, chúng tôi bước vào khu nhà bạt, mới biết, đây là “doanh trại” của chốt PCD. Thấy có khách, Đại úy Nguyễn Tiến Trung bước nhanh ra hỏi chuyện rồi giới thiệu, đây là chốt mang số hiệu 489, nằm trên địa bàn xã Xín Cái, nhưng do Đồn biên phòng (ĐBP) Sơn Vỹ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) quản lý. Do những ngày vừa qua, tình hình PCD của Xín Cái quá “căng” nên cấp trên đã quyết định điều động lực lượng của ĐBP Sơn Vỹ sang “trợ giúp”, giảm tải cho đồn bạn.

Vượt mọi gian nan, vững vàng bám chốt
Cán bộ chốt 489 thường xuyên tổ chức tuần tra để bảo vệ an toàn nơi vùng biên mà tổ quản lý. 


Mời chúng tôi vào gian nhà được quây quanh bốn bề là những tấm bạt, gió thổi vào từng cơn kêu phần phật, anh Trung giới thiệu thêm: “Khi bắt đầu có dịch, huyện thành lập chốt này; từ tháng 9-2020, chúng tôi được cử ra đây tiếp quản. Ngoài tôi, là trinh sát viên, tổ trưởng, hiện chốt còn 3 anh em nữa. Nhiệm vụ của chốt là tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép qua khu vực biên giới, tham gia PCD Covid-19. Chốt phụ trách kiểm soát khu vực đường mòn từ mốc 489 đến mốc 493, với chiều dài khoảng gần 5km”.

Vượt mọi gian nan, vững vàng bám chốt
Một ca tuần tra đột xuất của cán bộ chốt 489, ĐBP Sơn Vỹ. 

Rót chén trà mời khách, Đại úy Lê Văn Dũng, tổ phó của chốt nói: “Các anh thông cảm, ở đây lạnh nên nước vừa đun sôi xong rót vào phích, sau đó rót ra ngay đã bị giảm nhiệt nhiều rồi. Hiếm khi nào anh em chúng tôi được uống chén trà nóng thực sự”. Đợi khách nhấp xong chén trà, anh Dũng chỉ vào các khu vực trong gian nhà bạt khoảng chừng hơn chục mét vuông rồi nói tiếp: “Đây là gian nhà ở, do anh em chúng tôi tự quây bạt làm thêm. Còn gian bên cạnh là nhà trực, được cấp trên dựng bằng tôn, cao ráo, thông thoáng hơn nhưng hút gió lắm. Chúng tôi phải kê bàn uống nước sang đây do bên kia gió lộng quá không ngồi lâu được. Khi chúng tôi mới ra, gian nhà này còn chưa có điện. Đêm, lạnh quá, anh em phải đi bộ xuống nhà dân xin củi để đốt lửa sưởi. Mới đầu, chúng tôi cũng mang bếp củi ra đun nấu nhưng do gió quẩn vào thành thử lửa không cháy được. Vì vậy, chúng tôi phải chuyển sang dùng bếp gas. Vừa qua, được cấp trên cùng các tổ chức, bà con xung quanh hỗ trợ nên chúng tôi mới có đường điện, đường nước ổn định hơn, các vật dụng sinh hoạt cũng không còn thiếu thốn như trước”.

Thấy gió thổi vào phòng mỗi lúc một lớn, ngồi trong nhà ở mà vẫn bị gió lùa, tôi định đứng dậy khép cửa lại thì anh Dũng ngăn: “Nguyên tắc của chốt là cửa phải luôn mở 24/24, buổi tối, bóng đèn cũng phải thắp sáng, không bao giờ tắt. Vì đó là tín hiệu để bà con biết đây là chốt của Bộ đội Biên phòng, từ đó chủ động đến khai báo hoặc liên hệ các vụ việc liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép qua đường mòn”. Nghe vậy, tôi tò mò hỏi thêm: “Vậy các anh bố trí tuần tra, canh trực như thế nào?”. Trước câu hỏi của tôi, Đại úy Nguyễn Tiến Trung cho biết: “Do lực lượng mỏng nên chúng tôi phải cắt cử thành ca, luân phiên nhau trực, tuần tra. Ban ngày chúng tôi cử 2 đồng chí tuần tra kiểm soát, 2 đồng chí trực ở chốt; buổi tối sẽ tăng cường thêm một đồng chí đi tuần tra. Ngoài việc tổ chức tuần tra theo các khung giờ cố định, chúng tôi cũng thường xuyên đi tuần tra đột xuất, để phát hiện những trường hợp, tình huống phát sinh”.

Vượt mọi gian nan, vững vàng bám chốt
Tranh thủ thời gian rảnh, những người lính trên chốt lại cải tạo đất, trồng rau, nâng cao chất lượng bữa ăn tại chỗ.


Dưới ánh điện mờ mờ do sương bủa vây, tôi nhìn thấy trong góc gian nhà bạt có một rổ rau xanh, chắc để chuẩn bị cho bữa tối sắp tới. Chưa kịp hỏi, anh Dũng đã khoe: “Rau xanh do chúng tôi tự trồng đấy. Ngoài trồng rau, chúng tôi còn nuôi cả gà để cải thiện bữa ăn. Ở đây chợ theo phiên, lại cách xa trung tâm, nên chúng tôi phải tích cực tăng gia, chăn nuôi, chủ động được nguồn thực phẩm tại chỗ”. Vừa nói, anh Dũng vừa dẫn tôi ra ngoài, nơi cạnh gian nhà bạt chỉ huy có khoảnh đất khoảng hơn 20m2 đang trồng rau các loại. “Lúc ra tiếp quản, thấy có mảnh đất trống, anh em tôi bàn nhau phải quyết tâm cải tạo để trồng rau. Do đất cằn, nhiều sỏi đá nên anh em phải xuống bản, xin từng bao đất của dân để về cải tạo thành vườn. Lúc đó còn chưa có đường nước, chúng tôi phải lên đầu nguồn cách đây vài cây số múc từng can nước mang về vừa sinh hoạt, vừa làm nước tưới rau. Sau bao công lao cải tạo, trồng trọt, chăm sóc, chúng tôi đã thu hoạch được lứa rau đầu tiên rồi. Giờ anh em đang tiếp tục trồng lứa thứ hai. Do điều kiện khắc nghiệt nên chúng tôi chủ yếu trồng rau cải, bởi có lẽ chỉ giống rau đó mới sống và phát triển được ở đây”.

Nhìn những gương mặt sạm đen đang bợt đi trong giá lạnh, nhưng đôi mắt cương nghị, đầy vững vàng, quyết tâm của các anh trong chốt khi trò chuyện, tôi càng thêm khâm phục bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của người lính biên phòng nơi đây. Với tinh thần, nghị lực tuyệt vời ấy mà kể từ khi lập chốt đến nay, các anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép vào khu vực, góp phần giữ bình yên vùng biên được giao quản lý.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN
QĐND online