Loading...

Thụy Điển chấm dứt 200 năm trung lập: NATO thắng lợi, biến Baltic thành "biển NATO"

Đối với Thụy Điển, đây là một sự thay đổi lớn về bản sắc quốc gia, trong khi NATO có thêm quyền kiểm soát lớn hơn đối với vùng Baltic.

 

Ngày 7/3, Thụy Điển đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chính thức trao các tài liệu gia nhập cho Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington, DC.

Quy trình đã hoàn tất vào khoảng 5 giờ 30 chiều giờ Thụy Điển.

“Hôm nay thực sự là một ngày lịch sử. Thụy Điển giờ là thành viên của NATO”, ông Kristersson nói. “Chúng tôi khiêm tốn nhưng cũng tự hào. Sự đoàn kết sẽ là ánh sáng dẫn đường. Thụy Điển giờ đây đã bỏ lại sau lưng 200 năm trung lập và không liên kết quân sự. Đó là một bước đi lớn nhưng rất tự nhiên".

“Những điều tốt đẹp đến với những người biết chờ đợi. Không có ví dụ nào tốt hơn, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói trong buổi lễ.

Thụy Điển chính thức gia nhập NATO. Ảnh: NYT

 

Đây là bước cuối cùng của một quá trình kéo dài nhiều tháng để giành được sự chấp thuận của tất cả các thành viên, cho phép Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của liên minh.

Đối với Thụy Điển, đây là một sự thay đổi lớn về bản sắc quốc gia. Còn đối với NATO, điều này đồng nghĩa với việc liên minh có thể tiếp cận lãnh thổ Thụy Điển và biến Baltic thành “biển NATO” được các nước thành viên bao quanh. 

Emma Rosengren, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, cho biết Thụy Điển có thể sẽ đóng vai trò là trung tâm hậu cần cho kế hoạch quốc phòng, “bao gồm cả việc vận chuyển nhân sự và trang thiết bị đến một mặt trận chiến tranh tưởng tượng trong tương lai”.

Hồi tháng 1, Thủ tướng đã cảnh báo người Thụy Điển – vốn quen coi mình là một quốc gia hòa bình – chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh và đất nước khởi động lại nghĩa vụ công dân bắt buộc, một hình thức nghĩa vụ quốc gia đã bị dỡ bỏ sau Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, tư cách thành viên NATO cũng đồng nghĩa với tăng chi tiêu quốc phòng.

NATO không hề lãng phí thời gian trong việc tích hợp Thụy Điển vào các hoạt động quân sự của mình. Tuần này, Nordic Response, cuộc tập trận quân sự đầu tiên của loại hình này bao gồm Thụy Điển và Phần Lan, đã bắt đầu với sự tham gia của hơn 20.000 binh sĩ.

Hôm 6/3, hai máy bay ném bom của Mỹ được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu của Thụy Điển đã bay qua Stockholm và Uppsala trong một cuộc tập trận chung – một khoảnh khắc rất biểu tượng cho quốc gia có truyền thống trung lập lâu dài.

Về phần mình, Thụy Điển đã luôn chuẩn bị cho thời điểm này. Stockholm đã hành động gần như thể mình đã là thành viên đầy đủ của NATO. Họ ký một thỏa thuận với Mỹ cho phép tiếp cận đầy đủ 17 căn cứ quân sự của mình, bắt đầu hội nhập NATO và thậm chí còn công bố kế hoạch gửi lực lượng tới Latvia.

Hành trình chông gai của Thụy Điển

Thụy Điển đã giữ lập trường trung lập suốt 2 cuộc Thế chiến, nhưng khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Thụy Điển - và nước láng giềng Phần Lan - đã cân nhắc lại và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO. Stockholm đi đến quyết định từ bỏ lập trường trung lập lâu dài của mình. 

Ngày 5/7/2022 là một ngày vui với Thụy Điển và Phần Lan khi những thành viên đầu tiên của NATO bao gồm: Canada, Iceland, Na Uy và Đan Mạch chấp thuận tư cách thành viên của hai quốc gia này. Cho đến cuối tháng 9, gần như tất cả các thành viên đều phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. 

Tuy nhiên, trong khi Phần Lan trở thành thành viên NATO với tốc độ kỷ lục vào tháng 4/2023 thì Thụy Điển lại bị giữ chân trong một vũng lầy ngoại giao khi đối mặt với sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. 

Theo Guardian, mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, cũng như quan điểm phản đối của Ankara có thể bắt nguồn khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan công khai cáo buộc Thụy Điển chứa chấp những đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là tổ chức khủng bố nhằm vào mình. 

Tổng thống Erdogan cho rằng Stockholm quá mềm mỏng với nhóm ly khai người Kurd PKK và các tổ chức khác mà đất nước ông coi là mối đe dọa an ninh. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tức giận trước một loạt các cuộc biểu tình đốt kinh Quran tại Thụy Điển.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi các sự kiện này là một "cuộc tấn công đê hèn" và kêu gọi "những biện pháp quyết đoán để ngăn chặn tội ác thù ghét này" trong một tuyên bố được đưa ra vào thời điểm đó.

Ông Erdogan tuyên bố sẽ không chấp thuận gia nhập nếu họ không đồng ý với các điều kiện mà chính phủ Ankara đặt ra.

Từ trái sang: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Ảnh: AA

 

Mãi tới khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phát tín hiệu cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mua 40 tiêm kích F-16 mới, Thổ Nhĩ Kỳ mới dần chấp thuận Thụy Điển. Ankara cũng nhận được sự đảm bảo từ Thụy Điển rằng họ sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong hành trình gia nhập EU. 

Sau hơn một năm trì hoãn, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã hoàn thành việc bỏ phiếu ủng hộ Thụy Điển trở thành một thành viên của NATO vào thứ Ba ngày 23/1/2024. 

Rào cản cuối cùng kết thúc 18 tháng chờ đợi

Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán lần đầu tiên nộp các nghị định thư để phê duyệt việc Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 7/2022, nhưng vấn đề này bị trì hoãn trong quốc hội do sự phản đối của các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền.

Sau khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào mùa xuân năm 2022, ông Orbán đã đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối đề xuất của Stockholm. DW cho rằng, một lý do lớn dẫn tới quan điểm này là mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Orbán và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Giống như Erdogan, Orbán cũng đặt điều kiện cho sự ủng hộ của mình đối với Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, điều kiện của ông lại hoàn toàn mơ hồ.

Orbán, một chính trị gia có mối quan hệ chặt chẽ với Nga, cho rằng sự chỉ trích về nền dân chủ Hungary từ các chính trị gia Thụy Điển đã làm xấu đi mối quan hệ giữa hai quốc gia và dẫn đến sự do dự trong số các nhà lập pháp thuộc đảng Fidesz của ông.

Mãi tới tháng 2/2024, Hungary mới tạo ra những bước tiến thực sự trên con đường gia nhập NATO của Thụy Điển. 26/2/2024 là ngày quốc hội Hungary chấp thuận đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển, dọn đường cho quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh này sau gần hai năm đàm phán căng thẳng.

Ông Orbán cho rằng Hungary phải chịu sức ép lớn từ các đồng minh NATO. 

Tân Tổng thống Hungary, Tamás Sulyok, nhậm chức ngày 5/3 sau khi Tổng thống Katalin Novák từ chức hồi tháng trước trong một vụ bê bối. Sulyok là cựu chủ tịch Tòa án Hiến pháp Hungary. Việc ủng hộ đề xuất của Thụy Điển gia nhập NATO là hành động đầu tiên của ông khi đảm nhận cương vị tổng thống.

Có được sự chấp thuận của quốc hội Hungary đồng nghĩa với rào cản cuối cùng để Stockholm gia nhập NATO đã được dỡ bỏ.

Nhận các văn kiện của Thụy Điển ngày 7/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói, đây là sản phẩm của "gần hai năm ngoại giao không mệt mỏi" của các thành viên NATO. Các tài liệu được đặt vào một két sắt tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi lưu giữ hiệp ước cho NATO.

Thùy Dung

 

Nguồn: Người đưa tin

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889