Loading...

Trưởng đại diện WHO: Một vài tuần tới rất quan trọng với Việt Nam

Trưởng đại diện WHO Kidong Park cho rằng Việt Nam có năng lực xét nghiệm RT-PCR rất tốt, nhưng nếu số ca nhiễm tăng nhanh, các phòng thí nghiệm sẽ gặp thách thức.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Kidong ParkTrưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhận định sẽ có thể thêm nhiều ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong những ngày tới, "và vài tuần tới rất quan trọng".
Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày của Việt Nam luôn trên mức 100 ca/ngày, và kỷ lục là ngày 25/5 với 444 ca mắc mới. Và việc xét nghiệm hiệu quả sẽ là chìa khóa quan trọng giúp phát hiện sớm ca nhiễm, giảm thiểu lây lan và nhanh chóng điều trị cho bệnh nhân. Trước nhu cầu này, WHO khuyến cáo Việt Nam cân bằng giữa nguồn lực y tế sẵn có và nhu cầu xét nghiệm, vì các áp lực lên cơ sở hạ tầng xét nghiệm và nhân viên xét nghiệm có thể dẫn đến kết quả sai lệch.
Một mặt, xét nghiệm RT-PCR vẫn là phương pháp tối ưu nhất, và cho kết quả chính xác nhất. Mặt khác, phương pháp xét nghiệm nhanh có thể giúp sàng lọc ban đầu, giúp cách ly sớm người nhiễm bệnh và giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Tuy nhiên, ông Park cũng lưu ý biện pháp này không thể được sử dụng để sàng lọc người ở cửa khẩu, hay không thay thế được kết quả xét nghiệm RT-PCR cuối cùng.
Số ca mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng.
- Xin ông đưa ra bình luận về sự gia tăng của các trường hợp bệnh trong thời gian gần đây ở Việt Nam?
- Dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam rất phức tạp và diễn biến với tốc độ nhanh. Các chùm ca bệnh được báo cáo đồng thời tại 30 tỉnh/thành phố trong vòng chưa đầy một tháng.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam từ năm 2017. Ảnh: WHO

Với công tác truy vết và xét nghiệm triệt để, tôi dự đoán Việt Nam sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh và có thể có thêm tỉnh thành báo cáo các ca bệnh. Có nguy cơ rất cao các trường hợp bệnh trong cộng đồng sẽ tiếp tục được phát hiện trong những ngày tới, và có thể từ những nhóm người cách ly như F1.
Một vài tuần tới rất quan trọng trong việc kiểm soát các ổ dịch.
Việt Nam có thể làm gì để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19?
- Theo tôi, các biện pháp xã hội và y tế công cộng được khuyến nghị hiện nay, cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân theo thông điệp 5K của chính phủ như vệ sinh tay, giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang là biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm cả các biến thể đáng lo ngại.
RT-PCR là "tiêu chuẩn vàng", nhưng hạ tầng là thách thức
- Trong lúc Việt Nam cần tăng cường khả năng xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm RT-PCR có độ chính xác cao, song mất thời gian chờ lâu, giá thành cao và phải được bệnh viện thực hiện, liệu có phương án nào khác để phát hiện người mắc Covid-19 không?
- Việt Nam đã thiết lập năng lực mạnh mẽ về xét nghiệm RT-PCR với thời gian cho kết quả nhanh chóng. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục sử dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR. Đây vẫn là phương pháp được khuyến nghị để xác nhận Covid-19 vì nó có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất.
Bên cạnh đó, để tránh việc quá tải của các nhân viên y tế trong thu thập và xét nghiệm mẫu, WHO khuyến nghị Việt Nam cần cân bằng một cách tốt nhất giữa việc thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với nguồn nhân lực và vật tư sẵn có.
Việc xét nghiệm cần thực hiện theo phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ để tránh quá tải tại các phòng thí nghiệm. (Vì phòng thí nghiệm quá tải có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của nhân viên phòng thí nghiệm và nhân viên y tế, dẫn đến kết quả sai lệch...).
Vì thế, Việt Nam có thể ưu tiên xét nghiệm những người có các dấu hiệu và triệu chứng của Covid-19, nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (SARI) và hội chứng cúm (ILI), những người tiếp xúc gần được xác định thông qua điều tra dịch tễ về các trường hợp/chùm ca bệnh và những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế.
Tại những khu vực có bùng phát dịch, có thể áp dụng xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh để hỗ trợ ứng phó dịch nhằm phát hiện sớm và cách ly sớm các ca bệnh. Phương pháp xét nghiệm này dễ sử dụng hơn, cho kết quả nhanh hơn, và chi phí ít hơn.
Tuy nhiên, xét nghiệm kháng nguyên hiện không tin cậy như xét nghiệm RT-PCR và không nên được coi là có thể thay thế xét nghiệm RT-PCR.
WHO khuyến cáo sử dụng xét nghiệm kháng nguyên để chẩn đoán SARS-CoV-2 trong một số trường hợp cụ thể như: khi không có RT-PCR hoặc khi thời gian để có kết quả của xét nghiệm RT-PCR quá lâu; xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 5-7 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng để sàng lọc những người có nguy cơ mắc bệnh.
Trên thế giới, liệu có điển hình nào mà Việt Nam có thể nghiên cứu và học hỏi?
- Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược xét nghiệm trên diện rộng và đã kiểm soát được tất cả các đợt dịch Covid-19 trước đây. Tuy nhiên, từ bài học kinh nghiệm của những quốc gia khác, xét nghiệm trên diện rộng có nguy cơ tiêu hao nhanh vật tư quan trọng của và gây quá tải cho phòng thí nghiệm. Đây là mối quan tâm đặc biệt hiện nay đối với Việt Nam trong bối cảnh có nhiều ổ dịch đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có thể tác động đến năng lực xét nghiệm, chẳng hạn khi không có đủ chỗ trong phòng thí nghiệm để lưu trữ an toàn mẫu xét nghiệm; khi lượng mẫu cần xét nghiệm gia tăng và không thể kịp trả kết quả trong vòng 24-48 tiếng; khi nhân viên bị nhiễm bệnh hoặc vì nguyên nhân khác không thực hiện được nhiệm vụ; khi trang thiết bị phòng xét nghiệm không được bảo dưỡng hoặc bảo trì đúng cách.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, để tránh tình trạng này, có lẽ Việt Nam nên kịp thời xem xét lại chiến lược xét nghiệm trên diện rộng hiện nay để có thể cân bằng tác động y tế công cộng của công tác xét nghiệm và nguồn nhân lực, vật lực hiện có.
Theo Zingnews
 

Chia Sẻ :

Tags:Covid,WHO,

Tin cùng danh mục

0911 577 889