Loading...

Quan chức Mỹ: Báo cáo mới không thay đổi lập trường của Washington với Trung Quốc ở Biển Đông

Trong buổi họp báo gần đây của Trung tâm Báo chí nước ngoài tại Washington, bà Constance Arvis, khi đó là quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã chia sẻ về báo cáo mới nhất của Mỹ nhằm bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tàu khu trục John McCain của Mỹ đi qua Biển Đông tháng 2/2021. (Nguồn: Học viện Hải quân Mỹ)

Phần đầu tiên của buổi họp báo, bà Constance Arvis trong vai trò quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề đại dương, nghề cá và vùng cực cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo số 150 về các ranh giới biển, cơ sở để các bên phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo cáo 150 được xây dựng dựa trên Báo cáo 143 năm 2014 của Mỹ về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo cáo nghiên cứu một cách có hệ thống các tuyên bố chủ quyền trên biển của Bắc Kinh, cho thấy những tuyên bố này không phù hợp với nhiều chuẩn mực quốc tế cũng như luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Viện cớ thực thi các yêu sách hàng hải rộng lớn phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc đang xâm phạm quyền tự do hàng hải của nhiều quốc gia. Mỹ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS 1982, Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines ngày 12/7/2016 và chấm dứt hành vi trái pháp luật cũng như hoạt động cưỡng chế trên Biển Đông.


Bà Constance Arvis, Quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ. (Nguồn: Học viện Hải quân Mỹ)

Sau phần thông báo chung, bà Constance Arvis đã trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí.

Theo báo chí Nhật Bản hồi đầu tháng 1 vừa qua, các tàu của Lực lượng phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tiến gần vùng biển xung quanh các đảo, bãi đá ngầm do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông từ mùa Xuân năm 2021. Liệu Mỹ có ủng hộ Nhật Bản thực hiện hoạt động tự do hàng hải nhiều hơn nữa và có thể có những hoạt động tự do hàng hải chung giữa hai nước Mỹ-Nhật Bản?

Các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) là một phần trong chuỗi các hoạt động hòa bình, theo thông lệ nhằm thực hiện quyền tự do đi lại của mọi quốc gia, được đảm bảo trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

FONOPs là cách mà Mỹ sát cánh cùng cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền tự do trên biển và Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Chúng tôi hoan nghênh các đồng minh và đối tác cũng làm như vậy.

Báo cáo mới liệu có thay đổi lập trường chính thức của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc theo bất kỳ cách nào hay không?
 

Câu trả lời của tôi là không.

Trong nhiều năm, chúng tôi đã khẳng định rằng các tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là bất hợp pháp và không phù hợp với luật pháp quốc tế. Báo cáo này thực sự chỉ là đánh giá thêm về những lập luận mới mà Trung Quốc đưa ra nhưng chúng tôi tiếp tục không đồng ý. Chúng tôi đang khẳng định lại những gì chúng tôi đã lập luận trước đây.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden có ủng hộ việc tham gia UNCLOS 1982, và nếu có thì sẽ làm gì để thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc này?

Giống như các chính quyền trước đây, cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ việc tham gia UNCLOS 1982.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã khẳng định rằng các điều khoản của Công ước liên quan đến việc sử dụng đại dương truyền thống, phản ánh thông lệ quốc tế có giá trị ràng buộc đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Mỹ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ những lợi ích của Mỹ và chúng tôi tin rằng những lợi ích này sẽ được phục vụ tốt nhất bằng cách tuân thủ rộng rãi luật biển quốc tế, như được phản ánh trong Công ước.

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan đến các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Tôi cũng đang tự hỏi liệu rằng chính quyền Tổng thống Biden có làm điều tương tự nếu cần thiết hay không.

Và nếu có thể bổ sung những phản ứng của Mỹ theo một cách khác thì tôi muốn nói tới việc chúng tôi đang thực hiện một số hành động để tiếp tục đẩy lùi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo cáo mới của chúng tôi là cơ sở rất quan trọng để đồng minh và các đối tác có thể tham khảo để bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải, tiếp tục kêu gọi Trung Quốc thay đổi hành vi của mình và ngừng các hoạt động cưỡng chế, trái với luật pháp quốc tế.

Trong quá trình soạn thảo báo cáo nêu trên, nhóm tác giả có bất kỳ lo ngại hay đề cập nào về các hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương hay không?

Các báo cáo của chúng tôi rất ngắn gọn về các khu vực mà chúng tôi đề cập. Vì vậy, báo cáo của chúng tôi, ở thời điểm này, chỉ tập trung vào khu vực Biển Đông.

Về các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ sẽ nỗ lực đảo ngược hiện trạng này như thế nào?

Tôi muốn nhấn mạnh một điều mà chắc chắn các bạn đã nghe rồi nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại vì nó đáng để nhắc lại - chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, được phản ánh trong UNCLOS 1982. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 về Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động trái pháp luật, cưỡng chế ở Biển Đông, trong đó có việc xây các đảo nhân tạo.

Nguồn: Báo Quốc tế

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889