Loading...

Ukraine: Slovakia ban bố tình trạng khẩn cấp, NATO điều hơn nghìn binh sĩ và tên lửa

Theo hãng thông tấn Czech (ČTK), chính phủ Slovakia đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước từ trưa 26/2 (giờ địa phương), liên quan đến dòng người di tản khỏi các cuộc giao tranh ở Ukraine.
Binh sĩ Ukraine xuất hiện cùng thiết giáp gần thủ đô Kiev. Ảnh: Guardian
 
 

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói, việc này không gây tác động đối với người dân Slovakia.

Hãng thông tấn Slovakia (TASR) dẫn thông báo của chính phủ nước này nêu rõ: "Mục đích của việc ban bố tình trạng khẩn cấp là tạo điều kiện để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn và giảm thiểu hậu quả liên quan đến dòng người nước ngoài ồ ạt vào Slovakia".

Chính phủ đã trao quyền cho Thủ tướng Heger và Bộ trưởng Nội vụ Roman Mikulec điều hành các hoạt động cứu hộ và những việc liên quan.

Các thành viên của chính phủ và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước trung ương phải thực hiện các biện pháp bảo vệ người dân và các biện pháp giải quyết khủng hoảng.

Cảnh sát Slovakia ngày 26/2 thông báo đã xử lý 10.526 lượt nhập cảnh vào biên giới phía Đông trong 24 giờ qua, thời gian chờ đợi tại các cửa khẩu biên giới hiện nay từ 8-10 tiếng và chưa có sự gia tăng số lượng người vượt biên trái phép.

Bộ trưởng Mikulec nói: "Những người qua biên giới thành từng nhóm nhỏ không phải từ vùng chiến sự, mục đích là thăm thân ở Slovakia hoặc các nước khác và không yêu cầu hỗ trợ".

Slovakia dự kiến bắt đầu cấp quyền cư trú cho những người tị nạn từ Ukraine ngay tại biên giới vào tuần tới, nếu họ muốn ở lại. Người dân Slovakia đang dựng nhà trọ tạm thời ở làng Ubľa (thuộc Vùng Prešov trên biên giới Đông Bắc Slovakia) để giúp đỡ những người tị nạn từ Ukraine.

Một thành viên Hội đồng địa phương nói, những người tị nạn chủ yếu hướng đến Czech.

Theo ước tính của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hơn 120.000 người phải chạy sang các nước láng giềng trong tuần này. Họ thường đến Ba Lan, một số đến Moldova, Romania, Hungary và Slovakia.

Ngày 26/2, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad thông báo một nhóm tác chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được thành lập để giúp Slovakia đối phó với hành vi tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine.

Nhóm tác chiến này sẽ bao gồm 1.200 binh sĩ quốc tế và một hệ thống tên lửa phòng không Patriot do các lực lượng của Đức và Hà Lan điều khiển.

Slovakia là quốc gia thành viên NATO có chung đường biên giới với Ukraine và hiện chưa có binh sĩ nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ. NATO đã cam kết sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tại sườn phía Đông sau khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine hôm 24/2.

Phát biểu tại phiên họp chính phủ Slovakia cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nad cho biết, quân đội Đức sẽ tham gia nhóm trên với một hệ thống tên lửa Patriot, trong khi Slovakia sẽ đóng góp thêm 300 binh sĩ cho nhóm tác chiến, qua đó nâng tổng quân số của nhóm lên 1.500 binh sĩ.

Trước đó ngày 25/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố tổ chức này sẽ triển khai các đơn vị thuộc Lực lượng phản ứng nhanh, bao gồm Hải, Lục, Không quân và các lực lượng đặc nhiệm, trên lãnh thổ của các đồng minh.

Riêng Đức cũng tuyên bố sẽ điều một đại đội bộ binh, biên chế thường từ 150-200 quân, tới Slovakia, đồng thời sẽ điều một khẩu đội tên lửa Patriot kèm theo 300 binh sĩ tới tác chiến tại sườn Đông NATO. Tuy nhiên, phía Đức không cho biết địa điểm cụ thể sẽ triển khai tên lửa Patriot.

Cũng theo Bộ trưởng Nad, các trang thiết bị quân sự dự kiến được triển khai tại Slovakia có giá trị khoảng 1 tỷ Euro (1,13 tỷ USD).

Ông Nad nhấn mạnh việc NATO tăng cường lực lượng tại sườn phía Đông là do hành động gây hấn của phía Nga.

Trong một vài tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia sẽ đệ trình lên chính phủ và Quốc hội nước này các văn bản về việc triển khai binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ.

Nguồn: Báo Quốc tế

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889